Chi phí cơ hội đầu tư bất động sản là gì? Tại sao cần biết về chi phí cơ hội? Làm cách nào để ứng dụng công thức tính loại chi phí này vào đầu tư? Hãy cùng Radanhadat tìm hiểu với bài viết dưới đây
Chi phí cơ hội đầu tư bất động sản là gì?
Chi phí cơ hội đầu tư bất động sản thường phản ánh những lợi nhuận mà nhà đầu tư hoặc cá nhân bỏ lỡ khi quyết định đầu tư vào bất động sản này thay vì các dự án hoặc lựa chọn đầu tư khác.
Thông thường, người đầu tư sử dụng công thức sau để đánh giá chi phí cơ hội: Giả sử bạn có hai lựa chọn đầu tư A và B, chi phí cơ hội của lựa chọn A so với B được tính theo công thức:
Chi phí cơ hội = Lợi nhuận từ lựa chọn A / Lợi nhuận từ lựa chọn B
Kết quả của phép tính trên so sánh tỷ lệ lợi nhuận mà bạn có thể thu được từ lựa chọn A so với lựa chọn B.
- Kết quả lớn hơn 1: Đầu tư vào lựa chọn A sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn so với lựa chọn B.
- Kết quả bằng 1: Hai lựa chọn này mang lại lợi nhuận tương đương nhau.
- Kết quả nhỏ hơn 1: Đầu tư vào lựa chọn A sẽ ít hiệu quả hơn so với lựa chọn B.
Tại sao cần biết về chi phí cơ hội?
Đánh giá chi phí cơ hội giúp hiểu rõ hơn về các lựa chọn đầu tư và hỗ trợ ra quyết định thông minh hơn, để tìm ra cơ hội đầu tư tốt nhất. Việc tính toán chi phí cơ hội trong đầu tư BĐS mang đến cái nhìn toàn diện về giá trị thực của một quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, việc đo lường chi phí cơ hội không phải lúc nào cũng đơn giản. Tính toán chi phí cơ hội không chỉ dựa trên công thức trên mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Bạn cần xem xét mục tiêu đầu tư cá nhân, đánh giá rủi ro của từng lựa chọn và định rõ mức độ chấp nhận rủi ro trước khi đưa ra quyết định.
Ví dụ, nếu lựa chọn A có lợi nhuận cao hơn lựa chọn B nhưng lại mang theo rủi ro lớn và không phù hợp với mục tiêu đầu tư của bạn, việc chỉ dựa vào chi phí cơ hội không đảm bảo quyết định tốt nhất. Đồng thời, việc không tính toán được mọi yếu tố và sự biến động của thị trường bất động sản cũng làm cho quá trình đo lường trở nên phức tạp và dễ mắc sai lầm.
Cách ứng dụng công thức chi phí cơ hội đầu tư bất động sản
So sánh giữa gửi tiết kiệm và đầu tư bất động sản
Giả sử bạn đang muốn đầu tư vào một bất động sản tiềm năng trị giá 5 tỷ đồng và đang có sẵn 5 tỷ đồng tiền nhàn rỗi. Dự kiến, nếu bạn đầu tư vào bất động sản này trong vòng 2 năm, bạn có thể bán ra với giá 6 tỷ đồng. Trái lại, nếu bạn gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 5%/năm trong kỳ hạn 2 năm, sau khi nhận lãi, bạn có thể có khoảng 5.5 tỷ đồng.
Khi tính toán chi phí cơ hội, bạn chia lợi nhuận từ đầu tư vào bất động sản (6 tỷ đồng) cho số tiền có được từ việc gửi tiết kiệm (5.5 tỷ đồng) và có kết quả là 1.09. Con số này có ý nghĩa rằng nếu bạn không đầu tư vào bất động sản, bạn đã bỏ lỡ cơ hội kiếm được lợi nhuận gấp 1.09 lần so với việc tiết kiệm thông thường.
So sánh giữa hai bất động sản với vị trí địa lý khác nhau
Một yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần xem xét là vị trí của bất động sản. Vị trí có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh lợi nhuận. Nhu cầu thuê/mua, tình trạng tăng trưởng kinh tế và điều kiện thị trường luôn khác nhau tùy thuộc vào vị trí của bất động sản. Điều này giải thích vì sao giá cả bất động sản có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực, quận huyện, tỉnh thành trên toàn quốc.
Ví dụ, giả sử bạn đang xem xét hai bất động sản ở hai quận khác nhau. Bất động sản đầu tiên nằm ở vị trí số 1, tại trung tâm nội đô và có giá bán là 20 tỷ đồng. Bất động sản thứ hai nằm ở vị trí số 2, cách trung tâm thành phố 8km và được rao bán với giá 10 tỷ đồng. Cả hai bất động sản này có diện tích, số phòng ngủ và phòng tắm tương đương nhau. Trong trường hợp này, khi tính toán chi phí cơ hội, cần so sánh lợi nhuận mà bạn có thể kiếm được từ một tài sản nằm ở vị trí rất đẹp so với lợi nhuận mà bạn có thể kiếm được từ bất động sản nằm ở vị trí không quá thuận lợi.
So sánh giữa cho thuê dài hạn và cho thuê ngắn hạn
Nhà đầu tư có thể sử dụng công thức tính chi phí cơ hội để đưa ra quyết định giữa việc cho thuê bất động sản dài hạn hay ngắn hạn. Ví dụ, giả sử bạn sở hữu một bất động sản, nếu cho thuê dài hạn, có thể thu được 15 triệu đồng mỗi tháng (tức là 180 triệu đồng/năm), trong khi cho thuê ngắn hạn có thể mang lại 270 triệu đồng/năm.
Khi áp dụng công thức tính chi phí cơ hội, nếu bạn chọn cho thuê dài hạn, bạn sẽ mất khả năng kiếm được lợi nhuận cao hơn 1.5 lần. Tuy nhiên, lựa chọn cho thuê dài hạn sẽ an toàn và ít rủi ro hơn vì không thể đảm bảo rằng trong một khoảng thời gian nhất định luôn có khách hàng sẵn sàng thuê ngắn hạn bất động sản của bạn.
(Nguồn: onehousing)
>> Xem thêm bài viết Hai công thức tính lợi suất cho thuê bất động sản nên biết
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.