Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, ngành logistics và bất động sản kho bãi tại Việt Nam vẫn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và tiềm năng dài hạn. Theo báo cáo của Savills, các nhà đầu tư vẫn giữ kỳ vọng lạc quan về thị trường logistics, đặc biệt tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Điều này mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng bất động sản kho bãi Việt Nam.
Bối cảnh thị trường Logistic toàn cầu
Ngành logistics toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng phát triển. Trong thời gian gần đây, nhu cầu về mặt bằng logistics trên thế giới đã có xu hướng giảm do sự sụt giảm trong các đơn hàng và lượng giao dịch toàn cầu. Điều này xuất phát từ việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn và nhu cầu chủ yếu tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu. Hệ quả là lượng hàng hóa sản xuất và trung chuyển không cao, dẫn đến tỷ lệ mặt bằng trống tại các kho bãi gia tăng, đặc biệt tại các thị trường có lợi thế về cảng như Los Angeles và Thượng Hải.
Sự khác biệt về bối cảnh nguồn cầu được xem là yếu tố quan trọng để quyết định triển vọng tăng trưởng giá thuê trong thời gian tới. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực duy nhất cho thấy tổng vốn đầu tư vào phân khúc logistics chỉ giảm nhẹ khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi con số này tại Châu Âu giảm tới 50%. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với khu vực Châu Á, nơi có những yếu tố nền tảng hỗ trợ sự phát triển dài hạn và nhu cầu ngày càng tăng đối với bất động sản logistics và kho bãi.
Tại Nhật Bản, logistics tiếp tục là phân khúc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt với những nhà đầu tư nước ngoài muốn gia nhập thị trường này. Nhật Bản nổi bật với hệ thống hạ tầng phát triển và chính sách hỗ trợ từ chính phủ, làm tăng thêm sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Tương tự, thị trường Ấn Độ cũng ghi nhận hoạt động khá sôi động khi tỷ lệ hấp thụ nguồn cung logistics mới trong Quý 2/2023 đạt 40-50% nhờ các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất như đề án khuyến khích Liên kết Sản xuất (Production Linked Incentive Scheme – PLI). Điều này khiến các nhà đầu tư giữ triển vọng lạc quan và tìm kiếm thêm những cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối tại các thành phố khác trong quốc gia này.
Vấn đề về “bền vững” vẫn luôn là điểm then chốt và được cân nhắc trong mọi hợp đồng giữa chủ nhà và khách thuê, nhất là với các thị trường phát triển. Mặt bằng cho thuê logistics cần đạt được các yêu cầu về tối ưu năng lượng cũng như đảm bảo cam kết về ESG (Environmental, Social, Governance) của các doanh nghiệp. Đây được coi là những yếu tố cơ bản khiến dự án thu hút và mang lại lợi thế cạnh tranh trong các quyết định thuê tương lai.
Tiềm năng bất động sản kho bãi Việt Nam
Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới với môi trường đầu tư ngày một được cải thiện và các Hiệp định thương mại lớn được ký kết. Điều này tạo thêm sức hút của thị trường công nghiệp Việt Nam đối với danh mục đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế lớn và uy tín. Đầu tư vào hệ thống hạ tầng và kho vận sẽ củng cố chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp logistics đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử. Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 cho thấy doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhu cầu về diện tích thuê kho lớn để lưu trữ hàng hóa cũng tăng cao. Các nhà sản xuất quốc tế với những mặt hàng giá trị gia tăng cao đều kỳ vọng có mặt bằng kho bãi để lưu trữ hàng hóa sau sản xuất. Tuy nhiên, nguồn cung đối với mặt bằng nhà kho tại thị trường Việt Nam, đặc biệt tại phía Bắc, vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu này.
Ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao Dịch vụ Tư vấn Bất động sản tại Savills Hà Nội, nhận định rằng thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi các chủ đầu tư cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới như các nhà kho cao tầng hoặc kho cảng thông minh và tối ưu diện tích kho bãi sẵn có.
Triển vọng tích cực của ngành thương mại điện tử và nhu cầu giao hàng nhanh tiếp tục tăng cao hứa hẹn sẽ là tiền đề để thị trường logistics tại Việt Nam thêm phát triển trong thời gian tới. Với những mô hình hoạt động hiệu quả và được tối ưu hóa, bất động sản kho bãi Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước.
>> Xem thêm bài viết Nhu cầu bất động sản kho bãi Việt Nam: nhu cầu và thách thức
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.