Cho thuê phòng trọ đang trở thành một trong những mô hình kinh doanh phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Để tránh các rủi ro pháp lý không mong muốn, nếu bạn đang có nhu cầu kinh doanh phòng trọ thì đừng bỏ lỡ những thông tin trong bài viết dưới đây!
Các hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh
Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định các ngành nghề không phải kinh doanh gồm:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối.
- Kinh doanh lưu động.
- Buôn bán rong là hoạt động mua bán không có địa điểm cố định bao gồm cả việc nhận sách, báo, văn hóa phẩm từ các đơn vị được phép kinh doanh những sản phẩm này để bán rong.
- Kinh doanh thời vụ.
- Buôn bán vặt, bán quà vặt bao gồm cả có và không có địa điểm cố định.
- Buôn chuyến là hình thức mua hàng hóa từ nơi khác sau đó bán lại cho người mua hoặc bán lẻ theo từng chuyến.
- Làm dịch vụ có thu nhập thấp (trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện).
Bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh?
Thực tế, nhà nước không quy định có bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cho thuê phòng trọ, nhà trọ không nằm trong các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh đã nêu trên. Do đó, các cá nhân nếu muốn kinh doanh cho thuê phòng trọ, nhà trọ bắt buộc phải đăng ký dưới hình thức kinh doanh hộ gia đình.
Điều kiện đăng ký kinh doanh cho thuê phòng trọ
Để đăng ký kinh doanh cho thuê nhà trọ, phòng trọ, hộ kinh doanh bắt buộc phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến con người cũng như an toàn phòng cháy chữa cháy.
Điều kiện về người đăng ký kinh doanh
Điều kiện về người đăng ký kinh doanh cho thuê phòng trọ, nhà trọ được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình có thể đăng ký cho thuê nhà trọ dưới hình thức hộ kinh doanh nếu đảm bảo các điều kiện:
- Người đăng ký là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực và hành vi dân sự.
- Cá nhân tham gia thành lập hoặc góp vốn không được đồng thời là thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân, trừ khi được sự chấp thuận của các thành viên khác trong công ty.
Điều kiện về phòng cháy chữa cháy
Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định, các tòa nhà chung cư, nhà nghỉ, ký túc xá hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh có khối tích tổng cộng từ 5000m3 hoặc từ 7 tầng trở lên phải được thẩm định thiết kế về phòng cháy chữa cháy. Các hộ kinh doanh quy mô nhỏ chưa đạt tiêu chí này vẫn khuyến khích tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Thủ tục đăng ký kinh doanh cho thuê phòng trọ
Bên cạnh tìm hiểu bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh thì nhiều người cũng thắc mắc về thủ tục đăng ký kinh doanh cho thuê phòng trọ. Dưới đây là các bước chi tiết.
Bước 1: Xác định hình thức kinh doanh
Tùy theo quy mô và nhu cầu mà chủ trọ có thể lựa chọn một trong hai hình thức kinh doanh:
- Thành lập doanh nghiệp: Phù hợp cho các trường hợp cho thuê nhà trọ quy mô lớn, nguồn vốn nhiều, không giới hạn về địa điểm và không gian.
- Thành lập hộ kinh doanh: Phù hợp với quy mô nhỏ, ít vốn đầu tư, khả năng tái đầu tư nhanh. Hình thức này phổ biến cho gia đình kinh doanh nhà trọ nhỏ lẻ, thủ tục nhanh gọn, đơn giản.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh
Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng lý hộ kinh doanh cá thể gồm các giấy tờ:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, mẫu này cũng là giấy phép kinh doanh nhà trọ.
- Giấy tờ tùy thân hợp lệ của người đăng ký kinh doanh hoặc thành viên hộ gia đình, như căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (bản sao công chứng).
- Biên bản họp của gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh (nếu có).
- Biên bản ủy quyền cho thành viên gia đình làm chủ hộ kinh doanh (nếu có).
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký
Đối với trường hợp đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ được nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Còn đối với hình thức hộ kinh doanh, hồ sơ được nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Bước 4: Nhận kết quả
Trường hợp hồ sơ thiếu sót hoặc chưa hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu bổ sung hoặc sửa đổi. Còn trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, thời gian xử lý kéo dài từ 3 đến 5 ngày làm việc.
Lợi ích của việc đăng ký kinh doanh cho thuê nhà trọ
Việc đăng ký kinh doanh cho thuê nhà trọ mang lại nhiều lợi ích quan trọng gồm:
Bảo vệ quyền lợi người cho thuê
Việc đăng ký kinh doanh cho thuê nhà trọ giúp bảo vệ quyền lợi của người cho thuê một cách hiệu quả. Khi chủ nhà thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, các hoạt động cho thuê trở nên hợp pháp, rõ ràng hơn. Điều này đảm bảo rằng chủ nhà có thể quản lý tài sản của mình một cách chuyên nghiệp và bảo vệ quyền lợi trong các trường hợp phát sinh tranh chấp với khách thuê.
Trong trường hợp có vấn đề về hợp đồng, thanh toán hay các mâu thuẫn khác, chủ nhà có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để giải quyết một cách công bằng, tránh tình trạng bị lừa đảo hay lợi dụng. Việc có giấy phép kinh doanh cũng giúp chủ trọ có cơ sở để yêu cầu khách thuê tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng.
Tăng tính minh bạch
Đăng ký kinh doanh còn giúp tăng tính minh bạch trong hoạt động cho thuê nhà trọ. Khi chủ nhà thực hiện thủ tục này, mọi giao dịch đều được ghi nhận, quản lý và kiểm soát bởi cơ quan chức năng. Điều này không chỉ giúp chủ nhà an tâm về sự hợp pháp của công việc mà còn giúp khách thuê cảm thấy tin tưởng hơn khi lựa chọn thuê phòng.
Các thông tin về số lượng phòng, giá cả, và các điều kiện thuê sẽ được làm rõ trong hợp đồng, từ đó hạn chế được những tranh chấp không đáng có. Hơn nữa, với việc tuân thủ các quy định của pháp luật, chủ nhà cũng tạo dựng được uy tín và danh tiếng trong mắt khách hàng, góp phần tạo ra một môi trường cho thuê nhà trọ lành mạnh và công bằng.
Phát triển kinh doanh bền vững
Đăng ký kinh doanh cho thuê nhà trọ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh doanh bền vững. Một khi đã thực hiện đăng ký hợp pháp, chủ nhà sẽ có thể mở rộng quy mô kinh doanh, dễ dàng vay vốn hoặc nhận các hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, ngân hàng. Điều này tạo điều kiện cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng số lượng phòng trọ cho thuê.
Ngoài ra, việc hoạt động kinh doanh hợp pháp còn giúp chủ nhà tránh được các rủi ro pháp lý và bảo vệ tài sản lâu dài. Khi mọi hoạt động đều tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước, việc duy trì và phát triển mô hình cho thuê trọ sẽ trở nên bền vững, không bị gián đoạn bởi các vấn đề pháp lý hay tranh chấp với khách hàng.
Giải đáp một số thắc mắc thường gặp
Ngoài bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh, bạn cũng cần tìm hiểu thêm các vấn đề dưới đây:
Một hộ kinh doanh có thể kinh doanh cho thuê phòng trọ ở nhiều địa điểm không?
01 hộ kinh doanh có thể được phép kinh doanh tại nhiều địa điểm. Tuy nhiên, hộ kinh doanh đó phải lựa chọn 1 địa điểm để thực hiện đăng ký làm trụ sở của hộ kinh doanh.
Chi phí xin cấp giấy phép kinh doanh cho thuê phòng trọ bao nhiêu?
Để được cấp giấy phép kinh doanh, chủ phòng trọ bắt buộc phải đóng đầy đủ lệ phí theo quy định. Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh sẽ có hạn mức khác nhau tùy thuộc vào từng địa phương và được đóng tại Phòng Kế hoạch – Tài chính thuộc UBND quận/huyện mà chủ trọ sinh sống.
Chủ trọ không đăng ký giấy phép kinh doanh bị xử phạt ra sao?
Trường hợp chủ trọ không đăng lý giấy phép kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký giấy phép (Tại Điểm a Khoản 4 Điều 46).
- Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc không có giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Kinh doanh cho thuê phòng trọ có phải đóng thuế không?
Theo quy định của pháp luật, nếu doanh thu từ việc cho thuê phòng trọ không vượt quá 100 triệu đồng/năm thì bạn sẽ được miễn nộp thuế. Trường hợp nếu doanh thu vượt ngưỡng 100 triệu đồng/năm bạn phải nộp 3 loại thuế gồm:
- Thuế giá trị gia tăng: Loại thuế này áp dụng cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ và hàng hóa, bao gồm cả dịch vụ cho thuê nhà trọ. Mức thuế GTGT được tính là 5% trên doanh thu thực tế.
- Thuế môn bài: Thuế này được xác định dựa trên mức doanh thu hàng năm và áp dụng cho nhóm cá nhân hoặc cá nhân kinh doanh nhà trọ. Tùy theo từng doanh thu mà mức thuế môn bài dao động từ 300.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ/năm.
- Thuế thu nhập cá nhân: Mức thuế thu nhập cá nhân là 5% và tính dựa trên doanh thu trực tiếp mà bạn nhận được từ việc cho thuê phòng trọ.
Hy vọng với những thông tin trong bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh. Việc tuân thủ đúng các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh cho thuê phòng trọ không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi của cả chủ nhà lẫn người thuê.