Trong bối cảnh lãi suất thả nổi tăng, nguồn thu nhập không ổn định và giá nhà leo thang chóng mặt, nhiều gia đình tại TP.HCM đang rơi vào cảnh “đuối sức” khi chọn hình thức vay mua nhà trả góp TPHCM. Từ rao bán nhà đến làm thêm đủ nghề, không ít người buộc phải thay đổi kế hoạch tài chính, thậm chí từ bỏ giấc mơ an cư.
Vay mua nhà trả góp TP.HCM: Làm thêm giờ rồi bán nhà để trả nợ
Không còn là câu chuyện cá biệt, áp lực từ việc vay mua nhà trả góp TP.HCM ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt với những gia đình trẻ. Trường hợp chị N.T. (ngụ TP Thủ Đức) là ví dụ điển hình. Cách đây 4 năm, vợ chồng chị mua căn nhà hơn 50m² trị giá gần 3 tỷ đồng, vay ngân hàng 1,6 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 8,7%/năm trong 2 năm đầu. Tuy nhiên, sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi tăng vọt lên 11%/năm.
Trong khi đó, chồng chị T. bất ngờ thất nghiệp, thu nhập cả gia đình giảm mạnh. Với khoản chi gần 20 triệu đồng/tháng để trả nợ, cộng thêm chi phí sinh hoạt và nuôi con, họ buộc phải rao bán nhà để cắt lỗ. Chị chia sẻ: “Tôi rất tiếc vì từng nghĩ đó sẽ là tổ ấm lâu dài. Nhưng khi nguồn thu không ổn định, đảo nợ cũng không được, thì phải chấp nhận buông”.
Trường hợp khác, chị M.T.L. (quận Tân Phú) đang gồng gánh khoản vay gần 4 tỷ đồng. Cả hai vợ chồng phải làm thêm tối ngày, từ livestream trái cây đến chạy xe ôm công nghệ. “Gồng được ngày nào hay ngày đó”, chị nói, trong khi bản thân chị đã sụt gần 20kg sau 2 năm đầy áp lực.
Không ít người chọn cách buông bỏ tài sản đúng thời điểm để giữ lấy sức khỏe và tinh thần. Như trường hợp của chị H.C.D. (quận Gò Vấp), giáo viên đơn thân với 2 con nhỏ, sau khi chồng mất vì đột quỵ và không thể trả khoản vay 1,5 tỷ đồng, chị quyết định bán tài sản để trả nợ. “Sống trong áp lực nợ nần và bệnh tật chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Còn người là còn của”, chị chia sẻ.
Dù mất đi chỗ ở cố định, chị D. khẳng định đó là quyết định đúng đắn nhất. Việc thanh lý tài sản giúp chị thoát khỏi áp lực, từ đó tái thiết lại cuộc sống và công việc ổn định hơn.
Giá nhà TPHCM tăng đều, nhưng bài toán “tiền đâu” vẫn là trở ngại lớn
Mặc dù giá nhà tại TP.HCM gần như không giảm, điều đó không đồng nghĩa ai cũng có khả năng tiếp cận. Phân tích từ các trang web bất động sản lớn cho thấy, giá căn hộ ở một số khu vực tăng gần gấp đôi trong 10 năm. Ví dụ: căn hộ Hưng Ngân (Q.12) từ 720 triệu đồng năm 2014, nay đã chạm mức 1,5–1,7 tỷ đồng/căn. Nhà phố tại quận 12 từng giá 800 triệu đồng năm 2014, nay có người trả tới gần 4 tỷ đồng.
Với tốc độ tăng giá bất động sản như hiện tại, người trẻ nếu chưa kịp mua nhà trước đây thì giờ càng khó tiếp cận hơn. Tích lũy vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng giờ chỉ đủ mua đất vùng ven hoặc cần phải vay tới 60–70% giá trị, điều này đồng nghĩa với việc ôm một khoản nợ lớn suốt nhiều năm.
Anh B.Q.T. – đầu bếp làm việc tại quận Bình Thạnh – chia sẻ: “Tôi tích lũy được 1,5 tỷ đồng, nhưng vẫn không dám vay thêm để mua nhà trung tâm. Có thể tôi sẽ về vùng ven Long An, mua đất xây nhà rồi chờ tăng giá. Khi ấy, bán đi rồi quay lại mua trong thành phố, tránh gánh nặng trả lãi hàng tháng”.

Theo các chuyên gia tài chính – bất động sản, việc vay mua nhà trả góp TP.HCM cần được tính toán rất kỹ. Không nên vay quá 50% giá trị căn nhà, mặc dù ngân hàng có thể duyệt mức vay lên đến 70–80%. Bên cạnh đó, người mua nhà nên duy trì khoản tiền dự phòng từ 100–200 triệu đồng để đối phó với các rủi ro như ốm đau, mất việc, hay trượt giá.
Một nguyên tắc quan trọng là đảm bảo khoản trả góp không vượt quá 40% tổng thu nhập hàng tháng, giúp người vay duy trì mức sống tối thiểu và vẫn có dư để tiết kiệm, đầu tư hay giải quyết các sự cố phát sinh.
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.