Nghề môi giới bất động sản đang ngày càng thu hút nhiều người bởi tiềm năng phát triển và lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên không ít cá nhân lựa chọn con đường tắt, tìm cách mua chứng chỉ môi giới bất động sản thay vì tham gia đào tạo chính thức. Thực tế, việc mua bán chứng chỉ môi giới bất động sản không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hậu quả nghiêm trọng.
Nhu cầu mua chứng chỉ môi giới bất động sản
Nghề môi giới bất động sản ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ nhờ những lợi ích mà ngành này mang lại. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, để chính thức bước vào nghề cần có giấy phép hành nghề môi giới bất động sản.
Nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bất động sản đã nhận thấy rằng dịch vụ môi giới là một trong những yếu tố gây xáo trộn thị trường, tạo ra các cơn sốt ảo, thao túng giá cả và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành. Vì vậy việc chấn chỉnh hoạt động môi giới được đánh giá là cần thiết và cấp bách.
Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP, quy định về xử phạt đối với hành vi môi giới bất động sản nhằm mục tiêu sàng lọc và ngăn chặn các hành vi thao túng giá và tạo sốt ảo khi giao dịch bất động sản. Nổi bật nhất là yêu cầu môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, nếu vi phạm kèm theo các hành vi trái pháp luật khác, có thể bị phạt từ 60 triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Chính vì những lý do này mà nhu cầu về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản ngày càng tăng. Thống kê cho thấy, từ nửa đầu năm 2022, nhu cầu đào tạo để lấy chứng chỉ môi giới đã tăng gấp 8 lần so với năm 2021. Ngoài việc tham gia các khóa học đào tạo để nâng cao kiến thức và được cấp chứng chỉ, một số người còn tìm đến các tổ chức hoặc đơn vị không uy tín để mua giấy phép môi giới nhằm đáp ứng yêu cầu theo quy định mới.
Dịch vụ cung cấp chứng chỉ môi giới bất động sản
Trên các trang web kinh doanh và hội nhóm không khó để bắt gặp các quảng cáo về dịch vụ cung cấp chứng chỉ môi giới bất động sản. Một khóa học chính thống để lấy chứng chỉ này thường kéo dài khoảng 1 tháng với chi phí dao động từ 2-3 triệu đồng. Do đó, nhiều người lựa chọn mua chứng chỉ môi giới bất động sản để tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về giấy phép.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ này không chỉ quảng bá công khai trên các website, mà còn trên các hội nhóm việc làm phổ biến trên Facebook như Việc Làm 24h, Tuyển dụng Việc Làm TP.HCM, v.v. Dễ dàng bắt gặp những quảng cáo với nội dung như:
- Không cần đặt cọc, thanh toán sau khi nhận chứng chỉ.
- Đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân và xóa sau khi hoàn tất giao dịch.
- Cam kết chứng chỉ giống thật 100%.
- Bảo hành chứng chỉ môi giới BĐS trọn đời.
Do nhu cầu tuyển dụng nhân viên kinh doanh bất động sản tăng cao quanh năm, thị trường mua bán chứng chỉ môi giới bất động sản cũng hoạt động liên tục. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, người mua có thể nhận được chứng chỉ trong vòng 3-5 ngày. Tuy nhiên, các dịch vụ mua bán chứng chỉ này thực chất là các hình thức làm chứng chỉ và hồ sơ giả nhằm trục lợi cá nhân.
Hậu quả khi mua chứng chỉ môi giới bất động sản
Hệ thống thi cấp chứng chỉ môi giới bất động sản do Bộ Xây dựng quản lý nghiêm ngặt về nội dung đào tạo và quy trình cấp chứng chỉ. Vì vậy việc cấp giấy chứng nhận không hợp lệ là hoàn toàn không thể. Các tổ chức hoặc cá nhân rao bán chứng chỉ môi giới bất động sản đều cung cấp bằng giả. Những chứng chỉ này không có giá trị pháp lý, được làm giả tinh vi và hoàn toàn vô dụng. Việc mua và sử dụng chứng chỉ giả có thể dẫn đến những rủi ro sau:
Bị lừa đảo
Lợi dụng tâm lý muốn sở hữu chứng chỉ môi giới bất động sản mà không cần học, nhiều đối tượng lừa đảo đã xuất hiện để chiếm đoạt tài sản. Họ thường yêu cầu người mua chuyển khoản hoặc đặt cọc trước rồi mới gửi chứng chỉ. Sau khi nhận tiền, người bán chặn liên lạc, khiến người mua không thể tiếp tục liên hệ. Những người bị lừa thường ngại báo cáo vì hành vi mua chứng chỉ giả là trái pháp luật.
Mất việc và uy tín cá nhân
Trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng có thể không phát hiện chứng chỉ giả và tuyển bạn vào vị trí. Tuy nhiên, khi có kiểm tra từ cơ quan chức năng, việc sử dụng chứng chỉ giả sẽ bị phát hiện và hậu quả nhẹ nhất là mất việc và mất uy tín với đồng nghiệp. Điều này có thể làm ảnh hưởng xấu đến hồ sơ lý lịch, gây khó khăn trong việc ứng tuyển tại các công ty lớn khác.
Vi phạm pháp luật
Theo luật môi giới nhà đất, người hành nghề bắt buộc phải có chứng chỉ do Sở Xây dựng tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
Theo Điều 38 Nghị định 121/2013/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với cá nhân hành nghề môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ.
- Phạt từ 30 đến 40 triệu đồng đối với tổ chức, công ty kinh doanh dịch vụ môi giới không đủ 02 người có chứng chỉ hành nghề hoặc sử dụng nhân viên không có chứng chỉ.
Theo Khoản 1 Điều 59 Nghị định 16/2022, phạt từ 40 triệu đến 60 triệu đồng với các hành vi:
- Kinh doanh môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hạn.
- Tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ làm sai lệch nội dung.
- Cho mượn, cho thuê hoặc sử dụng chứng chỉ của người khác.
>> Xem thêm bài viết Làm môi giới bất động sản lương có cao không? Giải đáp chi tiết
.** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.