Hàng loạt ngôi nhà bỏ trống tại TPHCM do chưa có cơ chế cho thuê hợp lý trong khi nhu cầu nhà ở còn rất cao. Đây không chỉ là tình trạng tồn tại ở TPHCM mà còn là vấn đề chung của các đô thị lớn hiện nay.
Thực trạng nhà đất bị bỏ trống, lãng phí tại TPHCM
Theo báo cáo tại hội nghị ngày 23/02/2024 do Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng của Sở Xây dựng TPHCM đã cho biết trung tâm hiện đang quản lý đến 44 địa chỉ nhà đất công thuộc đối tượng theo nghị định số 167. Trong đó bao gồm 5 địa chỉ cho thuê và 39 địa chỉ khác bị bỏ trống.
Ban chỉ đạo 167 hiện đang trình lên UBND TPHCM giao trung tâm quản lý (đợt 1) 343 địa chỉ của quận, huyện và 68 địa chỉ của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM. Theo kế hoạch trước đó, UBND TPHCM dự kiến sẽ giao cho trung tâm tiếp nhận và quản lý vận hành >1.000 địa chỉ nhà đất công theo nghị định số 167.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn không có cơ chế cho thuê nên nhiều địa chỉ nhà bỏ trống TPHCM dẫn đến thực trạng lãng phí, thất thoát, nên ông Hải đã kiến nghị các chủ trương xác định giá cho thuê khởi điểm để đấu giá cho thuê hiệu quả.
Theo thống kê của TPHCM, có nhiều địa chỉ nhà đất sở hữu vị trí “vàng” ngay trung tâm thành phố như Quận 1, Quận Tân Bình, Quận Bình Thạnh,… có diện tích rộng, liền kề tiện ích khu vực nhưng hiện tại vẫn chưa được cho thuê.
Nhu cầu thuê nhà và mua nhà không ngừng tăng trong những năm qua
Theo đó, tại kỳ họp lần thứ 13, HĐND TPHCM khóa X, chiều ngày 07/12/2023, đại biểu Lê Thị Kim Thúy cũng cho biết, trong một khảo sát chương trình phát triển nhà ở tại TPHCM giai đoạn 2021 – 2030, có khoảng 51.000 người dân có nhu cầu thuê nhà và khoảng 29.000 người có nhu cầu mua nhà. Phần lớn là người lao động không có nhu cầu sở hữu nhà ở mà chỉ đi thuê nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, còn có các cán bộ, công viên chức tại các cơ quan công lập trên địa bàn TPHCM cũng có nhu cầu thuê nhà ở.
Trả lời cho vấn đề trên, Chủ tịch UBND TPHCM – Phan Văn Mãi cho rằng nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM là rất lớn nhưng số lượng dự án nhà ở đang triển khai dang dở hoặc đã hoàn thiện nhưng chưa được sử dụng cũng rất cao. Hiện những người có thu nhập thấp thường không có nhu cầu sở hữu nhà mà chỉ đi thuê với ngân sách khoảng vài triệu mỗi tháng để cân đối thu nhập.
Do đó, khi tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, TP đã xác định rõ vấn đề này. Nhưng việc triển khai các dự án nhà ở tại TPHCM với mục đích cho thuê vướng phải nhiều ràng buộc, cơ chế và chính sách lợi nhuận vẫn chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Kiến nghị triển khai dự án PPP – kêu gọi vốn đầu tư
Cũng tại phiên họp chiều ngày 07/12/2023, cử tri thắc mắc về các giải pháp của TPHCM đối với vấn đề tháo gỡ khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức PPP. Chủ tịch UBND TPHCM cho biết về danh mục 197 dự án kêu gọi đầu tư vẫn còn thiếu sự đồng bộ về công tác chuẩn bị trong thời gian qua dù TP có nỗ lực xây dựng.
Có thể kế đến một số trường hợp như, dự án có nhu cầu thu hút đầu tư khi đưa ra nhưng lại chưa rà soát xem có phù hợp với quy hoạch hay không. Điều này dẫn đến việc thu hút từ danh mục 197 dự án có nhu cầu vẫn chưa hiệu quả. Vừa qua TPHCM đã có đánh giá lại và giữ lại những dự án đạt điều kiện, cần chuẩn bị thêm đối với dự án chưa đạt.
Đối với nhóm dự án PPP, UBND TPHCM đã trình lên HĐND sau khi tính toán chi tiết nhu cầu, rà soát quy hoạch, các cơ chế theo nghị quyết 98. Đảm bảo khi thực hiện triển khai các dự án theo hình thức này phải nhanh gọn, triển khai ngay và dứt điểm sớm tình trạng này.
“Kinh nghiệm của chúng ta ví dụ như khu đô thị mới Thủ Thiêm chủ trương xây dựng rất đúng nhưng quá trình triển khai kéo dài, luật này luật kia thay đổi và chúng ta bị mắc về mặt pháp lý. Do đó cần chuẩn bị cho kỹ quy trình, hồ sơ”, ông Mãi nói.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Kết luận
Việc quản lý, sử dụng nhà, đất còn nhiều thiếu sót và vi phạm như sử dụng không đúng mục đích, còn nợ đọng tiền cho thuê nhà, nhà đất bị lấn chiếm, khó thu hồi… nên xuất hiện nhiều nhà đất bị bỏ trống tại TPHCM. Do đó, việc tính toán, bổ sung thêm chức năng quản lý nhà ở và giám định xây dựng, ban hành nhiều chính sách mới nhằm khai thác, quản lý hiệu quả, tránh gây lãng phí. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng cần tập trung rà soát, kiểm kê các địa điểm nhà đất công gắn với việc phân nhóm, giải quyết các bất cập và vướng mắc nhanh chóng, hiệu quả.
>> Xem thêm: Thị trường nhà đất Bình Dương tháng 3/2024 đón làn sóng phục hồi
***Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Radanhadat.vn thực hiện tài liệu này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước.
Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của tài liệu nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.
Chúng tôi xử lý thông tin dựa trên nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không kiểm chứng nguồn tin và không đảm bảo tính chính xác.
Radanhadat.vn sở hữu độc quyền tài liệu và nội dung bên trong. Tài liệu không được phép sao chép toàn bộ hoặc một phần mà không có sự đồng ý của Radanhadat.vn.