Câu hỏi lớn nhất mà các nhà đầu tư tài chính luôn quan tâm chính là “Đầu tư vào cổ phiếu nào để có lời”. Và P/E là một trong những chỉ số có thể trả lời vấn đề này. Vậy chỉ số P/E là gì?
Các thuật ngữ cần biết
P/E là gì?
P/E là viết tắt của chỉ số Price to Earning ratio. Đây là chỉ số dùng để đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS).
Công thức: P/E = Giá thị trường của cổ phiếu (Price)/Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)
Hiểu một cách đơn giản, P/E là số tiền bạn sẵn sàng bỏ ra để thu được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu đó. Ví dụ P/E của mã MWG (Thế giới di động) là 15,82. Nghĩa là bạn sẽ dùng 15,82 đồng để có được 1 đồng lợi nhuận từ MWG.
EPS là gì?
EPS là số lợi nhuận mà doanh nghiệp trả cho mỗi cổ phần đang lưu hành trên thị trường. Lợi nhuận của doanh nghiệp được tạo ra sẽ được biểu thị qua chỉ số EPS này.
Công thức: EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi) / Số lượng cổ phiếu thường đang lưu hành
Cách tính chỉ số P/E
- Bước 1: Tìm chỉ số EPS (hay còn được gọi là Lãi cơ bản trên cổ phiếu) trên Báo cáo kết quả kinh doanh.
- Bước 2: Xác định Giá thị trường (Price). Bạn có thể tìm thấy Giá thị trường trên các bảng giá chứng khoán.
- Bước 3: Áp dụng công thức P/E = Price / EPS
Các loại chỉ số P/E
Có 2 loại P/E với ý nghĩa và cách tính như sau
- Foward P/E (P/E dự phóng): dùng để dự đoán thu nhập của 4 quý tiếp theo. Các nhà đầu tư thường không tin vào Foward P/E do đây được xem là chỉ số P/E của tương lai.
Công thức: Foward P/E = Giá thị trường cổ phiếu (Price) / EPS kỳ vọng
- Trailing P/E (P/E tra cứu): đây là chỉ số P/E thường được sử dụng bởi có tính khách quan.
Công thức: Foward P/E = Giá thị trường cổ phiếu (Price) / tổng thu nhập EPS trong 12 tháng
P/E có giúp lựa chọn được mã cổ phiếu đem đến lợi nhuận không?
P/E cao
Khi một doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, có thể dẫn đến chỉ số EPS thấp (thậm chí gần bằng 0), từ đó làm tăng chỉ số P/E lên mức cao.
Ví dụ, P/E của mã SJS (CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà) là 220,59. Điều này là do EPS của doanh nghiệp chỉ đạt mức 320 đồng trên một cổ phiếu. Nắm giữ mã SJS này trong thời gian dài có vẻ không phải là lựa chọn hợp lý.
Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Ví dụ với cổ phiếu Amazon, mức P/E hiện tại là 95,43 và công ty này chưa từng trả một đồng cổ tức cho cổ đông, nhưng đây là lại là mã cổ phiếu được nhiều người nắm giữ.
P/E thấp
Có thể doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả hơn so với trước đây. Do đó, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng, dẫn đến chỉ số P/E giảm. Trong tình huống này, có thể nói rằng cổ phiếu đang được định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua vào.
Tuy nhiên, P/E thấp cũng có thể xuất phát từ việc doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường (như từ thanh lý tài sản hoặc bán công ty con). Những lợi nhuận này không ổn định vì chúng không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và không thể tái diễn trong tương lai.
Hoặc có thể do các cổ đông hiện tại không còn nhận thấy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và quyết định bán cổ phiếu để thu lợi. Dẫn đến giảm giá cổ phiếu và khiến chỉ số P/E giảm.
Trong những trường hợp như vậy, tỷ lệ P/E thấp có thể duy trì trong một khoảng thời gian, nhưng cổ phiếu có thể không được xem là rẻ, vì triển vọng phát triển của doanh nghiệp không còn hứa hẹn.
Kết luận
Khi đã hiểu rõ P/E là gì nhưng vẫn rất khó để đưa ra một phán đoán chắc chắn về việc chỉ số P/E nào là tốt và tốt như thế nào…
Chỉ số P/E cao hay thấp, không mang nhiều ý nghĩa khi đứng một mình. Để hiểu rõ hơn, nó cần được so sánh với P/E của toàn ngành cũng như với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu dự kiến của công ty.
>> Xem thêm bài viết 6 bước đọc Báo Cáo Tài Chính hiệu quả cho nhà đầu tư mới