Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt ở nước ngoài mua nhà Việt Nam. Hơn nữa, những chính sách mới này cũng sẽ góp phần gia tăng nguồn vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Nhiều vấn đề nảy sinh khi người Việt ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Câu chuyện người Việt ở nước ngoài mua nhà Việt Nam luôn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi Luật Đất đai năm 2014 có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này còn quy định các cá nhân, tổ chức nước ngoài (không loại trừ đối tượng là Việt kiều) không được phép sở hữu nhà riêng lẻ ngoài các dự án căn hộ, khu đô thị và cũng bị giới hạn số lượng nhà ở trong 1 dự án.
Ông Mai Văn Đặng – một Việt kiều quốc tịch Pháp, hiện đang trú ngụ tại Đống Đa, Hà Nội có chia sẻ rằng, cách đây 5 năm gia đình ông đã chuyển hẳn về Việt Nam sinh sống sau hơn 30 năm sống và làm việc tại Pháp. Gia đình ông có nhu cầu sở hữu một căn nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư thuộc địa bàn này.
Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì nhận được thông báo rằng, vợ chồng ông không đủ điều kiện để sở hữu nhà riêng lẻ ngoài các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, cả gia đình ông đang phải tạm gác việc mua nhà và vẫn đi thuê trong suốt thời gian qua.
Về vấn đề này, Luật sư Trịnh Hữu Đức tại văn phòng Luật sư Hàm Rồng cũng đề cập như sau: “Chính vì những quy định như vậy nên trước đây những cá nhân, tổ chức nước ngoài (bao gồm cả Việt kiều) muốn sở hữu nhà ở Việt Nam thì đều “lách luật” bằng hình thức nhờ người thân, bạn bè đứng tên để thực hiện các giao dịch mua – bán, chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất. Bởi vậy, đã xảy ra rất nhiều tranh chấp, khiếu kiện; phía cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết kiện tụng liên quan đến vấn đề này”.
Nguồn: Báo kinh tế đô thị
Luật Đất đai sửa đổi, tháo gỡ nhiều vướng mắc
Để tháo gỡ những khó khăn về việc người Việt ở nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung và được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2023, và đầu năm 2024 đã có thêm nhiều đổi mới.
Cụ thể, tại Điều 4, 28, 41 và 46 của Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung nhóm người Việt ở nước ngoài được hưởng đầy đủ các quyền lợi trong việc mua, thuê mua, thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và các loại đất khác trong cùng một thửa đất có nhà. Ngoài ra, nhóm người này cũng được phép cho thuê đất, bán lại các tài sản gắn liền với đất,… giống như công dân Việt Nam thực thụ.
“Để đồng bộ về quy định giữa các văn bản luật, trong Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 cũng sửa đổi, bổ sung quy định người Việt ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được kinh doanh BĐS, sở hữu tài sản gắn với quyền sử dụng đất như tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của luật đất đai” – luật sư Trịnh Hữu Đức cho biết thêm.
Nguồn: Báo kinh tế đô thị
Thêm nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong những năm trở lại đây, nguồn kiều hối “đổ” về thị trường Việt Nam ngày càng tăng mạnh theo từng năm. Chỉ riêng năm 2023, dòng kiều hối đã đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước trong diễn biến nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, khủng hoảng.
Theo thông tin Radanhadat.vn tổng hợp, lượng kiều hối đầu tư đổ vào phân khúc bất động sản chiếm từ 15 – 20% tổng dòng tiền đổ về. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng kiều hối vào BĐS đang chiếm gần 2 tỷ USD/năm. Trong đó, phân khúc trung cấp (giá bán 3 – 4 tỷ đồng/căn) thì người Việt ở nước ngoài có thể mua được 10.000 – 15.000 căn hộ/năm. Bên cạnh đó, theo thống kê số lượng người Việt ở nước ngoài sinh sống và làm việc tương đối lớn, khoảng 5.5 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu người gốc Việt không có quốc tịch Việt Nam.
Việc các điều Luật được sửa đổi, bổ sung được xem là quyết định “cốt lõi” nhằm tạo ra cơ hội sở hữu nhà ở cũng như đầu tư vào thị trường BĐS trong nước cho người Việt ở nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong nước có thêm nguồn khách hàng tiềm năng, gia tăng sự cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước.
“Thị trường BĐS Việt Nam đang ở trong giai đoạn khủng hoảng thừa, với việc Quốc hội mở rộng điều kiện mua, sở hữu nhà cho kiều bào sẽ góp phần tích cực vào việc kích cầu thị trường. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, cộng đồng DN kinh doanh BĐS cần xây dựng kế hoạch để xây dựng những loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu ở, đầu tư của người Việt ở nước ngoài. Đồng thời để kích cầu thị trường hơn nữa và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, Nhà nước cũng cần nghiên cứu quy định về việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong một khoảng thời gian cụ thể được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam” – TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị.
Nguồn: Báo kinh tế đô thị
Kết luận
Tuy nhiên, song song với những yếu tố tích cực từ những chính sách mới mang lại, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc mở rộng quyền cho người Việt ở nước ngoài mua nhà Việt Nam có thể gây ra những tác dụng ngược đối với thị trường BĐS. Điển hình là tình trạng đầu cơ, gây nhiễu loạn thị trường. Nếu không kiểm soát tốt, kịp thời sẽ gây ra áp lực về sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực.
“Phải nhìn nhận một cách khách quan là mọi sự việc đều có 2 mặt, nhưng tôi cho rằng chúng ta không nên quá lo lắng về câu chuyện này. Bởi lẽ, khi Luật Thuế BĐS được ban hành, Nhà nước sẽ đánh thuế lũy tiến tăng theo đối với số lượng BĐS đã mua (áp dụng cả đồng bào trong nước và kiều bào); còn đối với lo ngại sự phát triển không đồng đều thì Nhà nước cần chỉ đạo triển khai hiệu quả chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, cân bằng tỷ lệ đối với các sản phẩm nhà ở thương mại…” – chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sĩ, kiến trúc sư Trần Tuấn Anh nêu.
Nguồn: Báo kinh tế đô thị
>> Xem thêm: Động lực nào thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam 2024?