“Tôi hiện nay 52 tuổi và đang muốn mua một căn chung cư tại Hà Nội. Tôi đang xem xét một dự án và nếu quyết định mua, tôi muốn thực hiện giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư thay vì mua chung cư đã qua sử dụng. Vậy tôi muốn hỏi, nếu dự án đáp ứng đủ các quy định của pháp luật, thì chi phí làm sổ hồng chung cư là bao nhiêu? Tôi có thể tự làm sổ hồng hay phải thông qua chủ đầu tư? Nếu tôi tự làm thủ tục để cấp sổ hồng, thì trình tự thực hiện như thế nào? Xin cảm ơn!”

    Anh, 8/3/24

    Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, dưới đây là giải đáp thắc mắc từ Radanhadat.vn cho vấn đề “Chi phí làm Sổ hồng chung cư mới nhất là bao nhiêu?”

    Sổ hồng là gì?

    Trước ngày 10/12/2009 (khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực), “Sổ hồng” là thuật ngữ dùng để chỉ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là cách mà người dân thường gọi để phân biệt giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (có bìa màu hồng) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có bìa màu đỏ). 

    Hiện tại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác liên quan đến đất được quy định theo mẫu chung mới (có bìa màu hồng). 

    Theo khoản 6 Điều 3 Luật Đất đai 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác liên quan đến đất là tài liệu pháp lý để Nhà nước xác nhận đúng pháp lý quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác liên quan đến đất của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác liên quan đến đất.

    Có thể tự làm Sổ hồng được không?

    “Điều 26. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại […] 

    7. Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê thì có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở theo quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Luật này.”

    Khoản 7, Điều 26 Luật Nhà ở 2014

    Theo quy định trên, chủ đầu tư dự án chung cư có trách nhiệm làm sổ hồng thay cho người mua căn hộ. Thời hạn cụ thể để thực hiện là 50 ngày tính từ ngày bàn giao căn hộ cho người mua hoặc tính từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận. 

    Tuy nhiên, trong thực tế, nếu người mua căn hộ mong muốn tự xin cấp sổ hồng chung cư, vẫn có thể thực hiện được, nhưng cần đảm bảo rằng chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các giấy tờ và thông tin liên quan.

    Các khoản chi phí làm Sổ hồng chung cư

    Lệ phí cấp Giấy chứng nhận (Sổ hồng)

    Theo quy định trong Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp Giấy chứng nhận sẽ được quy định bởi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, mức lệ phí sẽ khác nhau tùy theo từng tỉnh thành. Tuy nhiên, dù có sự khác biệt về mức thu giữa các tỉnh, thành phố, thông thường lệ phí này đều được thu dưới 100.000 đồng.

    Lệ phí trước bạ

    Trong khoản 1, Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP có quy định lệ phí trước bạ phải nộp khi được cấp Sổ hồng chung cư được xác định theo công thức:

    Lệ phí trước bạ = Giá tính lệ phí trước bạ x 0,5%

    Trong đó: Giá tính lệ phí trước bạ = Diện tích căn hộ (m2) x Giá 01 mét vuông (đồng/m2)

    Hồ sơ xin cấp Sổ hồng chung cư

    Theo quy định trong Khoản 22, Điều 1 của Nghị định 148/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 11, Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP), chủ đầu tư dự án nhà ở có trách nhiệm nộp một bộ hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận thay cho người mua hoặc cung cấp hồ sơ cho bên mua để tự đi đăng ký. Hồ sơ này bao gồm các giấy tờ sau đây: 

    • Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK
    • Hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định của pháp luật
    • Biên bản bàn giao căn hộ chung cư. 

    Bên cạnh đó, người đề nghị cần điền tờ khai lệ phí trước bạ và nộp cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

    Trình tự xin cấp Sổ hồng chung cư

    Bước 1: Nộp hồ sơ

    Chủ đầu tư hoặc người mua nhà nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (bộ phận một cửa).

    Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

    Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc chưa đầy đủ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh trong thời hạn tối đa là 03 ngày.

    Bước 3: Giải quyết yêu cầu

    Văn phòng đăng ký đất đai có nhiệm vụ thực hiện các công việc sau đây, theo quy định tại Khoản 22, Điều 1 của Nghị định 148/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 11, Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP):

    • Kiểm tra giấy tờ pháp lý trong hồ sơ và xác nhận có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo đơn đăng ký.
    • Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu cần).
    • Cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính (nếu có).
    • Chuẩn bị hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.
    • Yêu cầu chủ đầu tư dự án nộp Giấy chứng nhận quyền đã được cấp để chỉnh lý vào hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.

    Bước 4: Trao kết quả

    Thời gian giải quyết yêu cầu sẽ tuân theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng không vượt quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (theo quy định tại Khoản 40, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

    (Nguồn Luatvietnam)

    >> Xem thêm bài viết:

    Chia sẻ.
    error: Nội dung này đã được bảo vệ!!