Thị trường bất động sản Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ trong hành vi mua nhà, với GenZ – thế hệ trẻ năng động, sáng tạo – nổi lên như một nhóm khách hàng tiềm năng đầy hứa hẹn. Theo số liệu khảo sát, 2025 sẽ là năm mà xu hướng GenZ mua nhà sẽ không còn quá xa lạ.
GenZ mua nhà – xu hướng trên toàn cầu
Dựa trên kết quả khảo sát của Realtor.com, trang web mua bán bất động sản uy tín tại Mỹ, thế hệ Z đang có mong muốn mãnh liệt sở hữu nhà ở và cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào thị trường bất động sản.
Khảo sát cho thấy đa số người mua thuộc thế hệ Z sẵn sàng mua nhà ngay cả khi lãi suất thế chấp tăng. Cụ thể, 40% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua nhà nếu lãi suất giảm xuống dưới 6%, trong khi 32% khác sẵn sàng mua với lãi suất dưới 5%.
Tuy nhiên, quan điểm về việc mua nhà trong bối cảnh lãi suất cao lại có sự khác biệt rõ rệt giữa các thế hệ. Khi được hỏi về khả năng mua nhà nếu lãi suất thế chấp lên tới 8%, hơn 37% Gen Z và 47% Millennials cho biết họ sẽ mua. Con số này ở thế hệ X chỉ là 19%.
Điều thú vị là Gen Z và Millennials cũng lạc quan hơn về thời điểm mua nhà so với các thế hệ trước. Theo khảo sát của Realtor, 40% Gen Z và 55% Millennials cho rằng hiện tại là thời điểm tốt nhất để mua nhà, so với chỉ 32% của các thế hệ trước.
Kết quả này tương đồng với báo cáo Chỉ số Tâm lý Mua nhà của Fannie Mae, trong đó chỉ 17% người tiêu dùng tin rằng đây là thời điểm tốt để mua nhà mặc dù họ có cái nhìn lạc quan hơn về lãi suất.
Bất chấp những rào cản về lãi suất, Gen Z vẫn thể hiện quyết tâm sở hữu nhà ở. Khi được hỏi về thời điểm có thể mua nhà, 43% Gen Z tin rằng họ sẽ đủ khả năng tài chính vào năm 2025, và 45% cho biết họ sẽ mua nhà trong vòng 5 năm tới. Sự lạc quan và nhu cầu mua nhà của Gen Z có thể là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản ngay cả khi lãi suất thế chấp vẫn ở mức cao.
Tại Việt Nam, genZ mua nhà “liều lĩnh” hơn các thế hệ khác
Bùi Thị Ánh Nguyệt (24 tuổi), chuyên viên phân tích nghiệp vụ tại Hà Nội, vừa hiện thực hóa ước mơ sở hữu căn hộ riêng sau 4 năm miệt mài tiết kiệm và vay ngân hàng 500 triệu đồng.
Nguyệt chia sẻ, động lực thôi thúc cô mua nhà là 4 năm sống trong căn trọ chật hẹp cùng vợ chồng anh trai. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyệt xin thực tập tại một công ty thanh toán điện tử với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Nhờ chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng cô dành dụm được 6 triệu đồng. Sau 2 năm làm việc, Nguyệt được tăng lương lên 14 triệu đồng/tháng và tiết kiệm thêm 200 triệu đồng.
Nguyệt quyết định mua căn hộ 1 phòng ngủ tại Linh Đàm giá 1,2 tỷ đồng vì lo ngại giá nhà sẽ tăng trong tương lai. Để giảm bớt gánh nặng tài chính, Nguyệt nhận được sự hỗ trợ 400 triệu đồng từ gia đình và đồng nghiệp, đồng thời vay ngân hàng 500 triệu đồng còn lại với thời hạn 20 năm. Với thu nhập hiện tại, việc trả góp hàng tháng hơn 7 triệu đồng không gây áp lực quá lớn cho Nguyệt.
Tương tự, Trần Mạnh (24 tuổi), lập trình viên, cũng quyết định mua nhà vào năm cuối đại học. Mạnh chia sẻ, anh muốn có không gian sống riêng sau thời gian dài gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà trọ.
Thời điểm mua nhà, Mạnh đã tiết kiệm được 400 triệu đồng, nhận 500 triệu đồng hỗ trợ từ gia đình và vay ngân hàng số tiền còn lại. Mạnh cho biết, việc vay cả tỷ đồng là quyết định liều lĩnh nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng tài chính của anh khi mỗi tháng chỉ cần chi trả 15 triệu đồng tiền gốc lãi, tương đương 50% thu nhập.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện như Nguyệt hay Mạnh. Nhiều bạn trẻ Gen Z khác gặp khó khăn trong việc mua nhà do thu nhập thấp và thiếu sự hỗ trợ từ gia đình. Dù vậy, Nguyệt và Mạnh khẳng định rằng, việc mua nhà hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có kế hoạch tài chính rõ ràng và quyết tâm tiết kiệm.
>> Xem thêm bài viết:
- Phong cách mua nhà của Gen Z: Sẵn sàng đi xa, ưu tiên trải nghiệm sống
- Cách để người trẻ mua nhà sớm hiện thực hóa ước mơ “an cư lạc nghiệp”
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.