Theo Nghị định mới ban hành của Chính phủ, hạn mức vay mua nhà ở xã hội tối đa sẽ lên tới 80% giá trị hợp đồng mua hoặc thuê nhà. Trong trường hợp xây dựng mới, cải tạo, hoặc sửa chữa nhà ở, hạn mức vay tối đa sẽ là 70% giá trị dự toán hoặc phương án sử dụng vốn, nhưng không vượt quá 1 tỷ đồng.
Vay 1 tỷ đồng mua nhà ở xã hội sẽ phải trả mỗi tháng bao nhiêu?
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2024, quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH). Điểm nổi bật của nghị định này là nâng hạn mức cho vay tối đa cho các trường hợp xây dựng mới, cải tạo, hoặc sửa chữa nhà ở.
Cụ thể, Điều 48 của Nghị định 100/2024 quy định: đối với việc mua hoặc thuê nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa sẽ là 80% giá trị hợp đồng. Trong trường hợp xây dựng mới, cải tạo, hoặc sửa chữa nhà ở, hạn mức cho vay tối đa là 70% giá trị dự toán hoặc phương án sử dụng vốn, nhưng không vượt quá 1 tỷ đồng (tăng từ mức 500 triệu đồng trước đây). Hạn mức này được căn cứ vào suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá xây dựng nhà ở do cơ quan có thẩm quyền quy định và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm.
Lãi suất cho vay sẽ được áp dụng theo mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ. Lãi suất cho khoản nợ quá hạn sẽ là 130% của lãi suất cho vay ban đầu.
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã công bố lãi suất cho các khoản vay tín dụng đã ký hợp đồng từ ngày 1/8/2024 là 6,6%/năm, với thời hạn vay tối đa lên tới 25 năm. Đối với gói vay mua NƠXH 120.000 tỷ đồng, lãi suất hiện tại là 7,5%/năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đang xem xét đề xuất giảm lãi suất này nhằm hỗ trợ thêm cho người dân.
Chẳng hạn, nếu người dân vay 1 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội trong thời hạn 15 năm, với lãi suất cố định 7,5%/năm từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ta có thể áp dụng công thức tính như sau:
Trong tháng đầu tiên, người dân sẽ phải trả:
- Tiền lãi tháng đầu = 1.000.000.000 x (7,5% ÷ 12) = 6.250.000 VNĐ
- Tiền gốc mỗi tháng = 1.000.000.000 ÷ 180 tháng = 5.555.555,5 VNĐ
- Tổng số tiền phải trả (lãi + gốc) tháng đầu = 11.805.555,5 VNĐ
Vào tháng thứ hai, khoản thanh toán sẽ như sau:
- Tiền lãi = (1.000.000.000 – 5.555.555,5) × (7,5% ÷ 12) = 6.210.937,5 VNĐ
- Tiền gốc mỗi tháng = 5.555.555,5 VNĐ
- Tổng số tiền phải trả (lãi + gốc) tháng thứ hai = 11.766.492 VNĐ
Như vậy, khi vay mua nhà ở xã hội với thời hạn dài, số tiền gốc phải trả mỗi tháng được chia nhỏ, giúp người dân giảm áp lực tài chính hàng tháng và dễ dàng quản lý kế hoạch chi tiêu cho cá nhân và gia đình hơn.
Đối tượng được hưởng vay mua nhà ở xã hội
“Điều 76, Luật Nhà ở 2023 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
- Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
- Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.
- Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
- Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
- Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
- Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
- Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này.
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
- Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.”
Theo quy định tại Điều 48 của Nghị định 100/2024 do Chính phủ ban hành, các đối tượng thuộc khoản 1, 4, 5, 6, 7, và 8 của Điều 76 Luật Nhà ở cần đáp ứng một số điều kiện để được vay vốn ưu đãi khi mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH):
- Phải có nguồn thu nhập ổn định và khả năng thanh toán nợ theo cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Cần có Giấy đề nghị vay vốn để mua hoặc thuê mua NƠXH.
- Phải có Hợp đồng mua, thuê mua NƠXH ký kết với chủ đầu tư theo quy định của Nghị định và các quy định pháp luật liên quan.
- Bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Hợp đồng ba bên giữa Ngân hàng Chính sách xã hội, chủ đầu tư và người vay vốn phải làm rõ phương thức quản lý và xử lý tài sản bảo đảm.
(Nguồn cafef)
>>Xem thêm bài viết Giá nhà ở xã hội không bị ảnh hưởng khi bảng giá đất điều chỉnh được ban hành
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.