Mua được một ngôi nhà vừa túi tiền và ưng ý là không hề đơn giản. Dù cho thị trường bất động sản đang trầm lắng hay sôi động, việc thương lượng trả giá khi mua nhà là một kỹ năng quan trọng mà người mua thông minh nên có. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng và nó phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và sự tinh tế của người mua.

    Sau đây là những “bí kíp” giúp bạn thành công trong việc thương lượng giá nhà và mua được ngôi nhà mơ ước với giá “hời”.

    Nắm thông tin thị trường và giá nhà đất khu vực

    • Nghiên cứu thị trường nhà đất: bao gồm giá cả và các dự án trong khu vực bạn quan tâm để hiểu rõ mức giá trung bình, tránh nguy cơ mua đắt do thiếu thông tin.
    • Nguồn tham khảo giá: các trang web bất động sản, thông tin từ cư dân địa phương, xem xét các giao dịch gần đó để có cơ sở so sánh.

    Sử dụng những thông tin bạn đã thu thập để trả giá, áp dụng nguyên tắc giảm giá khoảng 10-35% để đưa ra mức giá thấp nhất và mở đường cho cuộc thương lượng.

    Đặt ra mức giá hạn chế

    Giá hạn chế là mức tối đa mua và mức tối thiểu bán nhà của bạn. Nếu bạn đang mua nhà, đó là mức cao nhất bạn sẽ trả; nếu bạn bán nhà, đó là mức thấp nhất bạn chấp nhận bán.

    Giá hạn chế nhằm chi phối cảm xúc khi mua nhà. Đặc biệt khi trao đổi về giá, bạn nên đoán mức hạn chế của người bán để bạn có thể đạt được thỏa thuận thành công.

    Nắm bắt tâm lý và động cơ của người bán

    Bạn nên tìm hiểu lý do bán nhà của bên bán, chẳng hạn do chuyển nhà, gặp khó khăn tài chính, hay họ là người đầu tư.

    Nếu người bán cần bán gấp, bạn sẽ có lợi thế hơn khi thương lượng.

    Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận với động cơ bán nhà không rõ ràng và kiểm tra kỹ thông tin về bất động sản.

    Không thể hiện sự yêu thích và hài lòng

    • Kiềm chế không bộc lộ quá nhiều cảm xúc trong quá trình thương lượng. Dù có thích một căn nhà, bạn không nên tỏ ra quá ưng ý. Hãy giữ thái độ bình thường nhưng cũng tránh phê bình quá mức, vì điều này có thể khiến người bán cảm thấy không hài lòng và muốn hủy bỏ giao dịch.
    • Quan sát kỹ lưỡng những nhược điểm, như lỗi phong thủy, chất lượng không tốt, những hạng mục cần sửa chữa hoặc cải thiện, hay vấn đề về khu dân cư xung quanh. Nếu bạn không có kinh nghiệm, hãy nhờ bạn bè hoặc chuyên gia để nhận đánh giá chính xác, giúp bạn thương lượng giá cả dễ dàng hơn.
    • Giữa ‘cơn sốt’ nhà đất như hiện nay, người mua hoàn toàn có nhiều sự lựa chọn tốt cho mình. Nêu lên một số lựa chọn tốt hơn của mình khi trao đổi đàm phán với bên bán cũng là cách giúp bạn hạ giá nhà thành công.

    Thái độ chân thành, thiện chí

    Bạn không nên quá cứng nhắc, bảo thủ, tránh trường hợp chủ nhà đưa bạn vào danh sách người mua không thiện chí, khi đó bạn sẽ càng khó đạt được mức giá tốt cho căn nhà. Đây là thời điểm bạn nên thể hiện thái độ chân thành, bày tỏ sự thiện chí và đồng cảm với những thông tin mà chủ nhà chia sẻ nhằm tạo không khí cởi mở cho quá trình đàm phán.

    Lấy mức giá trung bình

    Trong trường hợp cả người bán và người mua chưa đồng thuận về một mức giá phù hợp, bạn có thể sử dụng quy tắc chốt giá trung bình. Đây là phương pháp cuối cùng trong quá trình thương lượng.

    Theo quy tắc này, bạn lấy tổng của giá đề xuất từ người bán và giá mong muốn của người mua, sau đó chia đôi để tìm ra mức giá cả hai có thể chấp nhận.

    Ví dụ, nếu người bán muốn 1,9 tỷ đồng và người mua mong muốn giảm xuống còn 1,7 tỷ đồng, giá trung bình sẽ là 1,8 tỷ đồng. Bạn có thể đề xuất mức giá này với người bán, đồng thời thể hiện sự sẵn lòng và nghiêm túc trong việc mua.

    Đàm phán các chi phí thủ tục hành chính

    Trong trường hợp cả hai bên đã đồng ý với một mức giá, hoặc nếu bạn gặp phải một người bán không linh hoạt trong việc thương lượng giá, bạn hãy thử đàm phán về các chi phí thủ tục hành chính như phí công chứng, phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

    Tùy thuộc vào tình hình và thái độ của người bán, bạn có thể đề xuất họ chi trả các phần chi phí này. Trong trường hợp bạn phải chịu chi phí, hãy thương lượng xem người bán có thể giảm giá bán thêm nữa hay không.

    “Vạch lá tìm sâu” nhưng biết khi nào nên dừng lại

    Khi thương lượng giá nhà, một chiến thuật tâm lý hiệu quả là chỉ ra các khuyết điểm của ngôi nhà để cải thiện tiếng nói của bạn trong cuộc đàm phán. Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu biết cơ bản về phong thủy hoặc có người am hiểu về phong thủy đi cùng, nhằm phát hiện các lỗi có thể ảnh hưởng đến giá trị của ngôi nhà. Dựa vào những nhược điểm này, bạn có thể đề xuất giảm giá từ 10-30% so với mức giá ban đầu.

    Ngoài ra, hãy đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng chung của ngôi nhà, từ đường đi, môi trường sống đến các tiện ích xung quanh. Thể hiện sự quan ngại của bạn về những vấn đề như sàn nhà bị hỏng, hệ thống điều hòa không hoạt động, hoặc tường bị ẩm mốc. Yêu cầu chủ nhà sửa chữa hoặc thay thế chúng. Trong nhiều trường hợp, người bán sẽ chấp nhận giảm giá để bù đắp cho chi phí sửa chữa.

    Nếu đã thử hết mọi cách nhưng người bán vẫn cứng nhắc và không thiện chí, bạn không thể đạt được thỏa thuận với người bán thì tốt hơn là bạn nên tìm một ngôi nhà khác đáp ứng các tiêu chuẩn của mình.

    Khi bắt đầu cuộc đàm phán trả giá, một nguyên tắc quan trọng là đưa ra một mức giá thấp hơn so với số tiền bạn thực sự sẵn lòng chi trả. Mỗi bên sẽ nhượng bộ để tìm ra một mức giá chung cuối cùng phù hợp và công bằng cho cả hai phía, để đôi bên cùng có lợi.

    Khi mua nhà, bên cạnh việc áp dụng các chiến thuật trả giá, bạn hãy thể hiện thái độ tích cực và vui vẻ, tạo một không khí thân thiện trong quá trình thương lượng. Đồng thời, hãy thể hiện rằng bạn là một khách hàng nghiêm túc và thiện chí. Những điều này có thể tăng cơ hội thành công trong việc đàm phán giá cả.

    Chia sẻ.
    error: Nội dung này đã được bảo vệ!!