“Xin chào Radanhadat, năm 2013, tôi có mua một lô đất trong dự án ma do công ty cổ phần đầu tư Nhà Đất Việt phân lô bán nền trên đường Bà Thiên, Củ Chi. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tiến hành công chứng và làm sổ. Tôi còn được biết công ty này đã bán lô đất cho người khác. Tôi có giấy tờ đã ký với công ty. Vậy xin hỏi làm cách nào để tôi đòi lại quyền lợi của mình?”
Châu, 16/4/24
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Radanhadat.vn. Dưới đây là giải đáp cho vấn đề “Cách đòi tiền khi mua phải dự án ma”
Dự án ma là gì? Hình thức lừa đảo như thế nào?
Dự án ma có hai loại:
- Thứ nhất là dự án đã được cấp phép tồn tại, nhưng không đủ điều kiện để mở bán và chủ đầu tư không đủ khả năng để tiến hành thi công xây dựng.
- Thứ hai là những dự án được tạo ra giả mạo, với các giấy tờ và bản vẽ nhưng không có thực và không được cơ quan nhà nước nào phê duyệt.
Các chủ đầu tư dự án ma có rất nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi khiến người dân mất cảnh giác, như việc tự thiết kế website, chạy các chiến dịch quảng cáo chuyên nghiệp, nhân viên bán hàng gọi điện hẹn khách hàng đến xem đất với những lời mời hấp dẫn và hứa hẹn khả năng sinh lời cao. Ngoài ra, còn có các trường hợp chủ đầu tư cố tình đánh sai mã lô đất để bán cho nhiều người.
Các điều kiện người mua cần kiểm tra trước khi giao dịch
“Điều 41. Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê
1. Điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm: a) Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;
b) Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có); c) Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.”
Người mua nên kiểm tra tất cả các điều kiện nêu trên đã được quy định trong Nghị định 43/2014/NĐ-CP để đảm bảo bất động sản mình mua là “an toàn”.
Cách đòi tiền khi mua phải dự án ma
Trong trường hợp mua phải các dự án ma, người mua có quyền khởi kiện tới cơ quan có thẩm quyền, tức là tòa án nhân dân cấp huyện. Đối với những dự án đã được cấp phép nhưng chưa đủ điều kiện mở bán, người mua có thể dễ dàng đòi lại tiền.
Tuy nhiên, đối với những dự án không được phê duyệt, được lập ra với mục đích chiếm đoạt tài sản, việc lấy lại tiền là rất khó. Trong trường hợp này, người mua có thể tố cáo hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản tới cơ quan Công an. Nếu cơ quan điều tra, truy tố và tòa án xác định được chủ đầu tư/người bán có hành vi phạm tội và thu được khoản tiền trái pháp luật từ hành vi trục lợi, thì người mua có thể được giải quyết và được hoàn trả số tiền.
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017
(Nguồn Luatvietnam)
>> Xem thêm bài viết Trưng dụng đất là gì? Đất bị trưng dụng có lấy lại được không?