“Vào ngày 15/9/1975, tại tỉnh Hậu Giang (nay là tỉnh Sóc Trăng), gia đình tôi đã bị chính quyền lúc đó thu hồi nhà máy xay xát. Cho đến năm 1993, chính quyền tỉnh Sóc Trăng phát mãi tài sản hạ tầng của nhà máy này. Trong nhiều năm qua, gia đình tôi đã gửi đơn đến các cơ quan chính quyền để xem xét và xin lại phần diện tích đất của nhà máy xay xát, nhưng không nhận được sự giải quyết từ bất kỳ cơ quan chính quyền nào. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng sau khi bị thu hồi, các cơ quan đã gỡ bỏ tài sản trên mặt đất và phần còn lại của đất để trống cho đến ngày nay. Một số hộ dân đã chiếm đất và xây dựng trên phần đất của nhà máy xay xát. Vì vậy, tôi mong muốn được hướng dẫn về khả năng xin lại phần đất này (giấy tờ pháp lý của nhà máy vẫn còn đầy đủ).”
Tuấn, 11/4/24
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Radanhadat.vn. Trước khi giải đáp vấn đề của bạn, chúng ta cần biết rõ về thủ tục trưng dụng đất là gì? Khi nào tiến hành trưng dụng đất?
Trưng dụng đất là gì?
Hiện nay, mặc dù pháp luật đất đai không có định nghĩa chính thức về thuật ngữ “trưng dụng đất”, tuy nhiên, có thể hiểu trưng dụng đất như sau: Trưng dụng đất là hành động của cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền, tuân theo quy định của pháp luật đất đai, tạm thời lấy đất từ người sử dụng đất để sử dụng cho một mục đích cụ thể hoặc theo yêu cầu đặc biệt trong một khoảng thời gian nhất định.
Khi nào Nhà nước sẽ tiến hành trưng dụng đất?
Theo Điều 72, Khoản 1 của Luật Đất đai 2013, nhà nước có quyền trưng dụng đất trong các trường hợp thực sự cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trong tình trạng chiến tranh, khẩn cấp, phòng chống thiên tai. Để thể hiện quyết định trưng dụng đất, cần phải có văn bản chính thức.
Trong trường hợp khẩn cấp không thể ban hành quyết định bằng văn bản, người có thẩm quyền có thể quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, nhưng phải viết giấy xác nhận việc quyết định trưng dụng đất ngay tại thời điểm trưng dụng.
Quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành từ thời điểm ban hành. Trong vòng tối đa 48 giờ kể từ thời điểm quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, cơ quan có thẩm quyền phải xác nhận việc trưng dụng đất bằng văn bản và gửi cho người sở hữu đất đã bị trưng dụng.
Thời hạn và nghĩa vụ của việc trưng dụng đất là gì?
Thời hạn trưng dụng đất
Theo Khoản 4, Điều 72 của Luật Đất đai 2013, thời hạn trưng dụng đất không được vượt quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp xảy ra tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp, thời hạn trưng dụng đất được tính từ ngày ban hành quyết định đến không quá 30 ngày kể từ ngày chấm dứt tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp. Nếu việc trưng dụng chưa hoàn thành sau khi hết thời hạn trưng dụng đất, có thể gia hạn nhưng không quá 30 ngày. Quyết định gia hạn trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho người sở hữu đất trước khi thời hạn trưng dụng kết thúc.
Nghĩa vụ trưng dụng đất
Người sở hữu đất trưng dụng phải tuân thủ quyết định trưng dụng. Trong trường hợp quyết định trưng dụng đất đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhưng người sở hữu đất trưng dụng không tuân thủ, người quyết định trưng dụng đất có thể ra quyết định cưỡng chế thi hành và tổ chức cưỡng chế thi hành, hoặc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi có đất trưng dụng để tổ chức cưỡng chế thi hành.
Người có thẩm quyền trưng dụng đất có trách nhiệm giao đất trưng dụng cho tổ chức hoặc cá nhân quản lý, sử dụng đất trưng dụng theo mục đích và hiệu quả; trả lại đất sau khi hết thời hạn trưng dụng; bồi thường thiệt hại phát sinh do việc trưng dụng đất gây ra.
Vấn đề “Đất bị trưng dụng có lấy lại được không?”
Hướng xử lý đối với nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991 được quy định tại Điều 1 Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003, cụ thể như sau:
“Điều 1: Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.”
Theo quy định hiện tại, với trường hợp của bạn, diện tích đất đã được Nhà nước trưng thu và quản lý từ năm 1975, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất đã được quản lý trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất trước năm 1991.
Tuy nhiên, theo Điều 3 của Nghị quyết 23/2003/QH11, “Trong trường hợp chủ sở hữu có nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất, nếu gặp khó khăn thực sự về nhà ở, Nhà nước sẽ có chính sách tạo điều kiện để họ cải thiện chỗ ở“.
Vì vậy, trong trường hợp gia đình bạn nằm trong diện trên, bạn có thể yêu cầu các cấp chính quyền địa phương xem xét và giải quyết vấn đề này.
Nguồn: LuatVietNam
>> Xem thêm bài viết Nợ tiền sử dụng đất có được đền bù khi thu hồi theo quy hoạch không?