Nhờ thiết kế sáng tạo và dựa trên quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm khí hậu địa phương, dưới đây là cách xây nhà ở vùng biển tránh gió bão lớn hiệu quả và đáng tham khảo.
Lưu ý và cách xây nhà ở vùng biển tránh gió bão
Lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp
Nên chọn địa điểm xây dựng ở những vị trí khuất gió bão, tránh đối diện trực tiếp với hướng gió chủ đạo. Có thể tận dụng địa hình tự nhiên như gò, đồi hoặc trồng cây để giảm thiểu tác động trực tiếp của gió lên công trình. Tránh xây nhà tại những nơi trống trải, dễ bị lũ quét và gió bão mạnh như ven sông, hồ lớn, bờ biển, hoặc các khu vực hút gió như khe đồi hay giữa hai sườn đồi. Đối với các cây lớn gần nhà, cần tỉa bớt cành lá để giảm nguy cơ cây đổ vào nhà khi có mưa bão, đặc biệt với các cây có rễ nông.
Giải pháp kiến trúc cho ngôi nhà
Nên bố trí các ngôi nhà thành từng cụm và không xếp thẳng hàng để tránh hiện tượng tạo thành các túi gió hoặc luồng gió xoáy. Mặt bằng nhà nên đơn giản, tốt nhất là thiết kế theo hình chữ nhật với tỷ lệ chiều dài không lớn hơn 2,5 lần chiều rộng. Tránh thiết kế nhà có mặt bằng dạng chữ U, L hoặc chữ T.
Mái nhà nên có độ dốc hợp lý, khoảng 30–33 độ. Các mái có độ dốc nhỏ (5–10 độ) dễ bị tác động bởi áp lực gió lớn, dẫn đến tốc mái. Phần chìa ra ngoài của mái không nên vượt quá 50cm nếu có trần và 30cm nếu không có trần. Để hạn chế tác động của gió, nên làm diềm mái và sử dụng hiên rời hoặc hiên bằng bê tông cốt thép nhằm giảm thiểu ảnh hưởng lên mái chính khi có bão.
Giải pháp kết cấu
Kết cấu chịu lực của ngôi nhà nên đơn giản, rõ ràng với hệ thống kết cấu đảm bảo độ cứng tốt theo cả ba phương, giúp chống xoắn hiệu quả. Các bộ phận kết cấu cần được neo giữ vào những điểm kiên cố để chống lại tác động của gió. Hệ thống giằng và liên kết cứng phải đảm bảo tạo thành một khối liên tục, giúp ngôi nhà chống trượt, chống xoắn và đảm bảo an toàn trước tác động của gió bão.
Với nhà có kết cấu bằng khung gỗ hoặc tre, nên bố trí các thanh chống chéo dạng tam giác hoặc chữ X tại đầu hồi và các góc nhà. Đối với nhà có kết cấu bằng tường xây gạch hoặc đá, cần bố trí các trụ và giằng bằng bê tông cốt thép liên kết chặt chẽ với nhau. Trụ đứng nên được bố trí ở góc tường và các bức tường rộng cần được chia nhỏ. Giằng nên đặt ở các vị trí như mặt móng, mép trên cửa sổ và cửa đi, đồng thời bao quanh toàn bộ chu vi tường bao của ngôi nhà để liên kết tất cả các bức tường với nhau, tăng cường khả năng chịu lực.
Tham khảo cách xây nhà ở vùng biển tránh gió bão
>> Xem thêm bài viết Xu hướng thiết kế mẫu nhà tre độc đáo và nhiều tiện lợi
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.