Vào ngày 13/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 686/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Radanhadat.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu về mục tiêu, phương án phát triển và bản đồ quy hoạch Long An đến 2030 mới nhất!
Mục tiêu quy hoạch Long An đến 2030, tầm nhìn đến 2050
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững tại khu vực phía Nam. Long An định hướng trở thành cửa ngõ quan trọng trên hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với sự kết nối mạnh mẽ với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, đồng thời là điểm đầu mối hợp tác và giao thương quan trọng với Campuchia.
Tỉnh sẽ phát triển các hành lang kinh tế, khu vực, trung tâm phát triển và đô thị động lực, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được đảm bảo, mang đến cho người dân cuộc sống thịnh vượng, văn minh và hạnh phúc.
Đến năm 2050, Long An đặt tầm nhìn trở thành một trong những tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đạt trình độ phát triển ngang tầm với các tỉnh khá phát triển ở vùng Đông Nam Bộ.
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội tại tỉnh Long An
Quy hoạch Long An đến 2030 sẽ triển khai tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo mô hình “01 trung tâm, 02 hành lang phát triển, 03 vùng kinh tế – xã hội và 06 trục động lực chính.” Cụ thể như sau:
1 trung tâm
Thành phố Tân An sẽ phát triển thành trung tâm hành chính và công nghệ cao, đóng vai trò kết nối các hành lang và trục động lực chạy dọc theo quốc lộ 62, liên kết vùng Đồng Tháp Mười với Campuchia.
2 hành lang phát triển
- Hành lang đường Vành đai 3 – 4: Chạy dọc theo các tuyến đường vành đai 3 và 4 của TP.HCM.
- Hành lang phát triển phía Nam: TPHCM – Long An – Tiền Giang: Nằm dọc theo trục phát triển liên tỉnh, khởi đầu từ TPHCM, đi qua Long An và kết nối với Tiền Giang.
3 vùng kinh tế – xã hội
Theo quy hoạch Long An đến 2030, có 3 vùng kinh tế – xã hội được chú trọng phát triển bao gồm:
Vùng phát triển đô thị – công nghiệp
Bao gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, 1 phần huyện Tân Trụ, TP Tân An và 1 phần huyện Thủ Thừa. Khu vực này sẽ tập trung vào phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, hình thành hành lang phát triển đô thị trung tâm tại Bến Lức – Tân An, cùng các đô thị công nghiệp đặc thù ở Đức Hòa, Cần Giuộc và Cần Đước.
Vùng đệm sinh thái giữa sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây
Bao gồm huyện Đức Huệ, 1 phần huyện Thủ Thừa và 1 phần huyện Tân Trụ. Vùng này được định hướng phát triển nông nghiệp trước mắt, đồng thời dành quỹ đất hợp lý cho việc phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái và khu trung chuyển nội tỉnh. Thị trấn Thủ Thừa sẽ là trung tâm của vùng, kết nối các tiểu vùng kinh tế của tỉnh, giữa cửa khẩu đất liền và cảng biển.
Sự phát triển của vùng này sẽ được kiểm soát chặt chẽ, chỉ cho phép phát triển tại các khu vực đã được quy hoạch và các vị trí chỉ định dọc theo tuyến đường chính.
Vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu
Bao gồm TX Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, và 1 phần huyện Thủ Thừa. Vùng này sẽ tập trung vào nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, cùng các dịch vụ hậu cần về chế biến và kinh doanh lúa gạo.
Bên cạnh đó, vùng cũng sẽ phát triển dịch vụ và công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu, du lịch sinh thái, và đô thị Kiến Tường, nhằm tăng cường giao thương giữa vùng Đồng Tháp Mười và thành phố Tân An.
6 trục động lực chính
- Trục động lực Vành đai 3 và Vành đai 4 tạo sự kết nối giữa tỉnh Long An và vùng Đông Nam Bộ – TP Hồ Chí Minh, sân bay Quốc tế Long Thành, cảng Long An.
- Trục động lực quốc lộ 50B kết nối TP Hồ Chí Minh với Long An và Tiền Giang.
- Trục động lực song hành với quốc lộ 62 kết nối từ thành phố Tân An đến khu kinh tế cửa khẩu Long An và vùng Đồng Tháp Mười.
- Trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hoà – Bình Chánh để kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây với các khu đô thị và công nghiệp của huyện Bến Lức và TP Hồ Chí Minh.
- Trục động lực quốc lộ N1 đảm bảo sự liên kết giữa Long An với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
- Trục động lực Đức Hòa kết nối cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây với các khu công nghiệp, đô thị ở huyện Đức Hòa và Bến Lức, TP Hồ Chí Minh.
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị Long An và các phân khu chức năng
Quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Long An
Xây dựng các cơ chế và chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng khu vực, đảm bảo sử dụng đất đai hiệu quả và tiết kiệm. Tập trung phát triển các đô thị tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Đối với các đô thị hiện tại chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, sẽ mở rộng phạm vi và ranh giới, đặc biệt là thành phố Tân An, với diện tích tự nhiên tối thiểu 150 km2, ưu tiên mở rộng về hướng Đông Bắc và Đông Nam, gắn với hành lang phát triển phía Nam.
Mục tiêu đến năm 2030, khi đạt đủ điều kiện và tiêu chuẩn quy định, Long An sẽ có 27 đô thị, bao gồm:
- 01 đô thị loại I (TP. Tân An)
- 01 đô thị loại II (TX Kiến Tường)
- 03 đô thị loại III (Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa)
- 09 đô thị loại IV (Cần Đước, Đông Thành, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Tầm Vu)
- 13 đô thị loại V (Rạch Kiến, Long Cang, Long Hựu Đông, Long Trạch, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Nam, Hưng Điền B, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Bình Phong Thạnh, Hậu Thạnh Đông, Tân Long, Lạc Tấn)
Quy hoạch phân khu chức năng tỉnh Long An
Phương án phát triển quy hoạch các phân khu chức năng tỉnh Long An như sau:
Phát triển các khu kinh tế
Khu kinh tế cửa khẩu Long An sẽ được phát triển tại thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng. Đồng thời, khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc và Cần Đước sẽ được xây dựng thành một động lực tăng trưởng mới, tập trung vào hệ sinh thái công nghệ cao.
Phát triển các trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành
Theo quy hoạch, TP Tân An sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao hiện đại, đóng vai trò cửa ngõ phía Đông Bắc vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc là các đô thị vệ tinh, giúp giảm tải áp lực về dân số, cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật cho TPHCM. Thị xã Kiến Tường sẽ là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, liên kết với khu kinh tế cửa khẩu Long An, đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động công nghiệp, logistics, chế biến nông sản và kinh tế biên giới với Campuchia.
Phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp
Theo định hướng, Long An sẽ thành lập 17 khu công nghiệp mới khi đáp ứng đủ điều kiện, nhằm mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có tổng cộng 51 khu công nghiệp. Đồng thời, sẽ quy hoạch 28 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích 1.808 ha, nâng tổng số cụm công nghiệp toàn tỉnh lên 72 cụm, với diện tích 3.989 ha.
Phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng tỉnh Long An
Về phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2030, phương án cụ thể như sau:
Quy hoạch hạ tầng trung tâm cấp quốc gia
Các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt, cảng biển, và đường thủy nội địa sẽ được triển khai theo quy hoạch quốc gia.
Việc hình thành các nút giao kết nối giữa hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia và hạ tầng giao thông cấp tỉnh nhằm nâng cao khả năng kết nối liên vùng, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, sẽ bố trí thêm các điểm ra vào tại tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đặc biệt ở các huyện Bến Lức và Thủ Thừa.
Quy hoạch hạ tầng giao thông cấp tỉnh
Giao thông đường bộ
Trong quy hoạch, tỉnh Long An sẽ nâng cấp và cải tạo 53 tuyến đường tỉnh hiện có, đồng thời xây mới 29 tuyến đường. Đặc biệt, ưu tiên cho các tuyến như: Đường tỉnh 827E, trục động lực Đức Hòa, đường song hành quốc lộ 62, trục Mỹ Quý Tây – Lương Hoà – Bình Chánh, và đường Tân Tập – Long Hậu. Hệ thống giao thông đô thị cũng sẽ được nâng cấp và xây mới, tạo nên mạng lưới hạ tầng đô thị hoàn chỉnh, với tỷ lệ đất giao thông đường bộ đô thị đạt từ 18 – 25% so với quỹ đất xây dựng tại các đô thị.
Bên cạnh đó, hệ thống bến xe tại cũng sẽ được nâng cấp và xây mới. Đặc biệt, sẽ tăng cường phát triển các bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa hoặc dưới các tổ hợp công trình lớn, kết hợp các bãi đỗ xe tập trung nhằm đảm bảo kết nối thuận tiện và an toàn.
Giao thông đường sắt
Đường sắt đô thị: 02 tuyến đường sắt đô thị mới sẽ được xây dựng để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đồng thời phục vụ du lịch, gồm tuyến Hưng Nhơn – Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới – Cần Đước.
Đường sắt chuyên dụng: 01 tuyến đường sắt chuyên dụng sẽ được xây dựng kết nối tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ với Cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, và tiếp tục đến Nhà Bè, TPHCM.
Giao thông đường thủy
05 tuyến vận tải sẽ được nâng cấp và cải tạo, bao gồm:
- Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) – Bến Lức – Đức Hòa
- Tuyến Tân Tập – Bến Lức – Mộc Hóa
- Tuyến Tân Tập – Tân An – Đức Hòa
- Tuyến Tân Tập – Tân An – Mộc Hóa
- Tuyến Phước Đông – Tân Kim
- Cùng với 11 tuyến nhánh khác.
Quy hoạch các cảng thủy nội địa:
- Nhóm I: Quy hoạch 18 cảng hàng hóa với quy mô phù hợp cho tàu bách hóa và tàu hàng rời trọng tải từ 1.000 – 2.000 tấn.
- Nhóm II: Quy hoạch 17 cảng chuyên dùng, bao gồm cảng xăng dầu và cảng phục vụ các nhà máy, khu công nghiệp, đáp ứng tàu trọng tải từ 200 – 5.000 tấn.
- Nhóm III: Quy hoạch 14 cảng hành khách, phát triển đồng bộ với các tuyến vận tải khách và phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh.
Quy hoạch cảng cạn, trung tâm logistics
Quy hoạch xây dựng 02 cảng cạn bao gồm: Cảng cạn Bến Lức, nằm tại huyện Bến Lức, với diện tích từ 10 – 15 ha và công suất thông qua 150.000 TEU/năm; và Cảng cạn Tân Lập tại huyện Thủ Thừa, có cùng diện tích từ 10 – 15 ha và năng lực xử lý 150.000 TEU/năm.
Ngoài ra, sẽ hình thành 10 trung tâm logistics nhằm tăng cường giao thương kinh tế giữa Long An (Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và TX Kiến Tường) và các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa.
Cập nhật bản đồ quy hoạch Long An đến 2030, tầm nhìn 2050 mới nhất
Kết luận
Trên đây là các thông tin về quy hoạch Long An đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà Radanhadat.vn tổng hợp. Đừng quên truy cập Radanhadat.vn thường xuyên để không bỏ lỡ những thông tin thị trường mới nhất nhé!
***Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Radanhadat.vn thực hiện tài liệu này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước.
Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của tài liệu nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.
Chúng tôi xử lý thông tin dựa trên nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không kiểm chứng nguồn tin và không đảm bảo tính chính xác.
Radanhadat.vn sở hữu độc quyền tài liệu và nội dung bên trong. Tài liệu không được phép sao chép toàn bộ hoặc một phần mà không có sự đồng ý của Radanhadat.vn.
>> Xem thêm: