Trong vài năm trở lại đây, mô hình đầu tư căn hộ Airbnb – tức mua hoặc thuê căn hộ để cho khách lưu trú ngắn ngày – đã trở thành kênh đầu tư phổ biến tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Sức hấp dẫn của hình thức này nằm ở tỷ suất lợi nhuận cao, dao động từ 20% đến 40% mỗi năm, gấp nhiều lần so với cho thuê dài hạn truyền thống.
Tuy nhiên, “cơn sốt” đầu tư căn hộ Airbnb đang phải đối mặt với làn sóng pháp lý mới. Một loạt quy định được ban hành gần đây từ chính quyền TPHCM đã đặt ra giới hạn chặt chẽ, thậm chí là cấm tuyệt đối việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích lưu trú ngắn hạn.
Điều này đặt ra câu hỏi lớn: Liệu đầu tư căn hộ Airbnb còn thực sự tiềm năng? Hãy cùng Radanhadat.vn tìm hiểu chi tiết hơn vấn đề này ngay trong bài viết sau đây nhé!
Quy định pháp lý mới tạo cú hích mạnh vào nhà đầu tư căn hộ Airbnb
Cuối tháng 2/2025, UBND TPHCM ban hành văn bản hướng dẫn quản lý và sử dụng nhà chung cư, trong đó cấm sử dụng căn hộ chung cư để cho thuê lưu trú ngắn ngày qua các nền tảng trực tuyến như Airbnb, Booking, Agoda. Theo đó, các căn hộ chung cư chỉ được sử dụng đúng mục đích để ở, không được biến tướng thành căn hộ du lịch.
Chỉ những dự án được phê duyệt chức năng hỗn hợp – có condotel hoặc officetel – mới đủ điều kiện khai thác cho thuê ngắn ngày. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh lưu trú phải đảm bảo đủ điều kiện pháp lý, như đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm trú, đảm bảo an toàn, an ninh…
Ngay sau quy định trên, hàng loạt ban quản lý tại các dự án cao cấp như Vinhomes Central Park, Masteri, The GoldView… đã phát thông báo nghiêm cấm cư dân cho thuê căn hộ ngắn ngày. Nếu phát hiện vi phạm, ban quản lý có quyền ngừng cung cấp dịch vụ, khóa thẻ cư dân hoặc báo cơ quan chức năng xử lý.
Điển hình, tại Vinhomes Central Park (Bình Thạnh), ban quản lý đã yêu cầu toàn bộ cư dân dừng hoàn toàn việc kinh doanh căn hộ lưu trú kể từ ngày 15-3-2025. Tuy nhiên, sau cuộc họp với các bên liên quan, thời gian áp dụng đã được lùi đến 15-5 để người dân kịp chuẩn bị.
Hệ lụy với nhà đầu tư căn hộ Airbnb: Lỗ vốn, trả nhà, chuyển hướng
Nhiều nhà đầu tư cá nhân – đặc biệt là những người thuê căn hộ theo hợp đồng dài hạn (3-5 năm) để kinh doanh Airbnb – đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khi mô hình lưu trú ngắn ngày bị cấm, nguồn thu đột ngột bị cắt đứt, trong khi chi phí thuê nhà, vận hành, bảo trì vẫn đều đặn phát sinh.
Chị Nguyễn Thảo (quận 7) chia sẻ: “Tôi ký hợp đồng cho một người thuê căn hộ 5 năm để làm Airbnb, nhưng mới 1 năm đã phải chấm dứt do luật cấm. Người thuê trả nhà, tôi cũng phải tìm khách thuê dài hạn gấp để cầm cự.”
Không ít người đầu tư Airbnb đã chọn giải pháp “cắt lỗ” bằng cách thanh lý nội thất, trả bớt căn hộ hoặc chuyển sang cho thuê dài hạn theo tháng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận của hình thức này chỉ còn 5%-10%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu.
Ông Hòa – một nhà đầu tư từ Đà Nẵng – cho biết: “Trước đây tôi sở hữu 5 căn tại Bình Thạnh, mỗi tháng Airbnb giúp thu về hơn 100 triệu đồng. Giờ chuyển sang cho thuê dài hạn, mỗi tháng chỉ còn lời khoảng 10-15 triệu đồng, không đủ trả gốc lãi.”
Vì sao TPHCM mạnh tay siết chặt vấn đề đầu tư căn hộ Airbnb?
Một trong những nguyên nhân chính khiến chính quyền TPHCM ra lệnh cấm Airbnb là để bảo vệ sự ổn định trong các khu chung cư. Cư dân nhiều nơi phản ánh việc cho thuê ngắn ngày gây mất trật tự, khó kiểm soát người ra vào, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiện ích chung.
Bà Hà Đinh – Trưởng ban quản trị một tòa nhà tại Vinhomes Central Park – chia sẻ: “Chúng tôi không muốn sống trong một khu chung cư mà ngày nào cũng có khách du lịch lạ mặt ra vào. Việc cấm cho thuê ngắn ngày là hợp lý để bảo vệ cư dân.”
Ngoài ra, mô hình đầu tư căn hộ Airbnb hiện vẫn còn nằm ở “vùng xám” pháp lý. Nhiều cá nhân kinh doanh Airbnb không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế, không khai báo lưu trú. Điều này khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc đảm bảo an toàn và minh bạch thị trường.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Tổng giám đốc Savista Holdings – cho rằng: “Trước đây việc xử lý Airbnb rất khó vì chưa có quy định rõ ràng. Nay có văn bản cụ thể, các ban quản lý mới có cơ sở để chấm dứt hoạt động.”
Mô hình Airbnb sẽ ra sao trong xu hướng đầu tư mới?
Trước làn sóng siết chặt tại các khu đô thị trung tâm, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các dự án condotel, officetel hoặc các khu vực chưa bị cấm như ngoại ô TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương. Những khu vực này vẫn có nhu cầu lưu trú và ít bị kiểm soát hơn.
Ngoài ra, một số người còn tìm cách “lách luật” bằng cách ký hợp đồng thuê trên 6 tháng nhưng khách thực tế chỉ ở vài tuần. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý.
Một xu hướng khác là tái cấu trúc mô hình Airbnb thành mô hình cho thuê dài hạn có tính cá nhân hóa như homestay dài ngày, co-living – không gian sống chia sẻ. Những mô hình này có thể giữ được trải nghiệm như Airbnb nhưng hợp pháp hơn.
Kết luận
Trong bối cảnh pháp lý ngày càng siết chặt, đầu tư căn hộ Airbnb hiện không còn là “miếng bánh béo bở” như trước. Mô hình này có thể vẫn tồn tại, nhưng dưới dạng thu nhỏ, chuyển dịch và hợp pháp hơn. Nhà đầu tư cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược, chuyển sang thuê dài hạn, tìm kiếm dự án condotel, hoặc nghiên cứu mô hình đầu tư mới thay thế.
Nếu vẫn muốn theo đuổi Airbnb, hãy đảm bảo rằng dự án bạn chọn có pháp lý rõ ràng, được phê duyệt chức năng lưu trú, và quan trọng nhất là tuân thủ quy định để không gặp rủi ro về sau.
***Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Radanhadat.vn thực hiện tài liệu này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước.
Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của tài liệu nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.
Chúng tôi xử lý thông tin dựa trên nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không kiểm chứng nguồn tin và không đảm bảo tính chính xác.
Radanhadat.vn sở hữu độc quyền tài liệu và nội dung bên trong. Tài liệu không được phép sao chép toàn bộ hoặc một phần mà không có sự đồng ý của Radanhadat.vn.
>> Xem thêm: