Với chi phí đầu tư xây dựng theo các quy định hiện hành cao, dẫn đến giá thành và giá bán nhà ở xã hội cũng tăng theo, theo Hiệp hội Bất động sản, giá nhà ở xã hội Tp.HCM có thể lên đến khoảng 40 triệu đồng/m².
Giá nhà ở xã hội Tp.HCM liệu có lên đến 40 triệu/m2?
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý về việc sửa đổi và bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở nhằm thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030.
HoREA cho rằng Dự thảo Luật Nhà ở đã đúng khi bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10 ha (hoặc 2 ha) trở lên phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Nguyên nhân là không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trong cùng dự án, đặc biệt là tại các dự án nhà ở cao cấp và trung cấp.
Nếu xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án này, chi phí tạo lập quỹ đất (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án sẽ rất cao. Điều này dẫn đến giá thành và giá bán nhà ở xã hội Tp,HCM cũng rất cao, có thể lên đến khoảng 40 triệu đồng/m². Con số này không phù hợp với khả năng chi trả của đối tượng nằm trong diện thụ hưởng nhà ở xã hội. Ngoài ra, người mua nhà ở xã hội tại đây còn phải chịu chi phí quản lý và dịch vụ cao hàng tháng do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp và trung cấp.
Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn đang là vấn đề
TP.HCM hiện có gần 13 triệu dân, trong đó có gần 300.000 công nhân và lao động, với 69% là người ngoại tỉnh. Tuy nhiên, chỉ khoảng 16.190 người trong số này có chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân. Phần lớn công nhân phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập giá rẻ, thiếu tiện ích và an toàn. Thành phố cũng có khoảng 500.000 sinh viên đang học tập, nhưng nhiều trường đại học và cao đẳng chưa đáp ứng đủ chỗ ở ký túc xá.
Số liệu khảo sát mẫu từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, có đến 81.000 hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội. Cụ thể, cán bộ công chức là 10.000; hộ thu nhập nghèo và cận nghèo là 39.000; lao động trong khu công nghiệp là 17.000. Đa số trong các nhóm đối tượng này đã lựa chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.
Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM chỉ có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ. Có dự án đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Nguyên nhân chính là các đơn vị không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016.
Mức thu nhập của người lao động không “theo kịp” giá nhà ở
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cơ cấu sản phẩm bất động sản của Việt Nam đang không phân bổ hợp lý. Phân khúc nhà ở trung, cao cấp và bất động sản du lịch có dấu hiệu dư thừa, trong khi phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở hoặc nhà ở thương mại giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình lại ngày càng khan hiếm và thậm chí không còn có mặt trên thị trường nhà ở.
Nguyên nhân là chỉ số giá nhà ở của nước ta cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến nhiều hộ gia đình và cá nhân khó có cơ hội mua nhà. Trong khi đó, ở các nước công nghiệp phát triển, chỉ số giá nhà ở chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Theo phân tích cụ thể của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), một lao động ở độ tuổi dưới 30 có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ khoản sinh hoạt phí ở đô thị lớn TP.HCM, người lao động còn dư khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, cần ít nhất 20 năm để tích cóp được 1,5 tỷ đồng. Với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, người lao động cần tích cóp trong 10-15 năm mới có đủ tiền để mua một căn hộ trị giá 1,5 tỷ đồng.
Kết luận
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, gặp nhiều khó khăn và ách tắc. Việc không bố trí được vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ lưỡng về các mức chi phí để giá nhà ở xã hội Tp.HCM nằm trong mức chi trả của người lao động.
(Nguồn tienphong)
>> Xem thêm bài viết Cập nhật điều kiện mua nhà ở xã hội mới nhất 2024
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.