Kinh doanh bất động sản là một trong những hình thức đầu tư nhà đất được nhiều người lựa chọn hiện nay. Đây là lĩnh vực được đánh giá là tiềm năng phát triển cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu kinh doanh bất động sản là gì và điều kiện để kinh doanh thế nào. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.
Kinh doanh bất động sản là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện các hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; cung cấp dịch vụ môi giới, sàn giao dịch, tư vấn và quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.
Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản 2014, hoạt động kinh doanh bất động sản phải tuân theo những nguyên tắc sau:
-
Mọi hoạt động kinh doanh bất động sản đều phải bình đẳng trước pháp luật; các bên được tự do thỏa thuận thông qua hợp đồng dựa trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, và không vi phạm quy định của pháp luật.
-
Bất động sản đưa vào kinh doanh phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
-
Kinh doanh bất động sản phải thực hiện công khai, minh bạch và trung thực.
-
Cá nhân, tổ chức có quyền kinh doanh bất động sản ngoài phạm vi bảo vệ quốc phòng, an ninh theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện kinh doanh bất động sản
Để kinh doanh bất động sản, các nhà đầu tư cần tìm hiểu về các điều kiện cần đáp ứng sau:
Ai được quyền kinh doanh bất động sản
Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, những người được quyền kinh doanh bất động sản bao gồm:
-
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và có ngành nghề kinh doanh bất động sản được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
-
Hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật về hợp tác xã và có ngành nghề kinh doanh bất động sản được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hợp tác xã.
-
Các tổ chức khác được pháp luật cho phép kinh doanh bất động sản.
-
Cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ học vấn tối thiểu là trung học phổ thông.
-
Đã qua sát hạch về kiến thức kinh doanh bất động sản và được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
-
Không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề môi giới bất động sản theo quy định của pháp luật.
-
Cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình.
-
Cá nhân hành nghề môi giới bất động sản độc lập theo quy định của pháp luật.
Các loại bất động sản nào được kinh doanh
Theo quy định tại Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, các loại bất động sản có thể được đưa vào kinh doanh bao gồm:
-
Nhà và công trình xây dựng hiện có của các tổ chức và cá nhân;
-
Nhà và công trình xây dựng sẽ được hình thành trong tương lai của các tổ chức và cá nhân;
-
Nhà và công trình xây dựng là tài sản công, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh;
-
Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, đều được phép kinh doanh quyền sử dụng đất.
Các hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản
Theo Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, cá nhân và tổ chức bị cấm thực hiện các hành vi sau đây trong kinh doanh bất động sản:
-
Kinh doanh bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
-
Quyết định đầu tư vào dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
-
Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực các thông tin về bất động sản.
-
Có hành vi gian lận, lừa dối trong quá trình kinh doanh bất động sản.
-
Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng sai mục đích vốn huy động từ tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.
-
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
-
Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
-
Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái với quy định của pháp luật.
Chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản
Nhà nước đã ban hành các chính sách sau đây để khuyến khích đầu tư kinh doanh bất động sản, cụ thể:
-
Khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh bất động sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và khu vực.
-
Cung cấp chính sách miễn, giảm thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tín dụng ưu đãi cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và các dự án được ưu đãi đầu tư.
-
Đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài ranh giới dự án, đồng thời hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong ranh giới dự án đối với các dự án được ưu đãi đầu tư.
-
Đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án dịch vụ công ích đô thị và công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
-
Đưa ra cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, nhằm bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng.
Điều kiện khi người nước ngoài kinh doanh bất động sản
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì Việt Nam không cấm người nước ngoài thực hiện kinh doanh bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài cần đáp ứng một số điều kiện như sau:
Trích Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định:
“Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư vào các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài các ngành, nghề trong Danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước.”
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
-
Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
-
Hình thức đầu tư;
-
Phạm vi hoạt động đầu tư;
-
Năng lực của nhà đầu tư và đối tác tham gia hoạt động đầu tư;
-
Các điều kiện khác theo quy định tại Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định tại Danh mục, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam còn phải đáp ứng các điều kiện sau theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư:
-
Sử dụng đất đai, lao động, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản;
-
Sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
-
Sở hữu và kinh doanh nhà ở, bất động sản;
-
Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
-
Tham gia chương trình và kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Có thể thấy, kinh doanh bất động sản đang trở thành xu hướng và là hình thức đầu tư được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ các điều luật và quy định khi kinh doanh để đảm bảo các yếu tố pháp luật tốt nhất. Hy vọng những chia sẻ phía trên của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu được kinh doanh bất động sản là gì và có thêm thông tin trong quá trình tìm hiểu.