Xin chào Radanhadat! Gia đình tôi được cấp sổ đỏ năm 2014 và đứng tên chung mảnh đất hộ gia đình bao gồm: bố, mẹ, tôi và em trai tôi. Giờ gia đình đang muốn bán 1 phần đất nên bố mẹ yêu cầu tôi về để cùng ký hợp đồng bán đất. Nhưng tôi đang đi làm xa nên không về được. Cho tôi hỏi, tôi có thể ra phòng công chứng để tự làm giấy ủy quyền và gửi về để cho gia đình tôi thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được không? Xin cảm ơn!
Hoàng Anh, 1993
Những trường hợp được ủy quyền
Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Điều 135. Căn cứ xác lập quyền đại diện
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).”
Như vậy, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở không tự mình chuyển nhượng thì có quyền ủy quyền cho người khác thay mặt đại diện mình thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở. Trên thực tế việc ủy quyền thường xảy ra khi đang ở nước ngoài, công tác xa, ốm đau…
Theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Luật Công chứng 2014 không có điều khoản nào bắt buộc việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tranh chấp khi ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở thì các bên nên công chứng ủy quyền.
Theo Điều 42 Luật Công chứng 2014, công chứng viên chỉ được công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở trừ 03 trường hợp sau:
– Di chúc.
– Văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản.
– Văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền với bất động sản.
Do đó, người dân được phép công chứng ủy quyền tại bất kỳ tổ chức công chứng nào, kể cả tổ chức công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không có bất động sản.
Ký giấy ủy quyền có cần phải có mặt đủ 2 bên?
Theo Điều 55 của Luật Công chứng năm 2014, việc giao kết Hợp đồng ủy quyền đòi hỏi phải có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Còn Giấy ủy quyền thì không cần sự tham gia của bên nhận ủy quyền bởi lẽ:
– Giấy ủy quyền là một hình thức đại diện theo ủy quyền do chủ thể bằng hành vi pháp lý đơn phương thực hiện, không cần người được ủy quyền đồng ý. Trong đó, ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền nhân danh mình thực hiện công việc trong phạm vi ủy quyền;
– Bản chất của Giấy ủy quyền là một giao dịch dân sự (hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự).
Mà theo đó, Giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền không phải là sự thỏa thuận giữa các bên (Điều 562 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13) nên người nhận ủy quyền không cần ký vào Giấy ủy quyền.
Kết luận
Từ những phân tích trên có thể khẳng định bạn có thể ra các văn phòng công chứng tại nơi bạn ở để làm Giấy ủy quyền cho người thân trong gia đình thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cần sự có mặt của người được ủy quyền và sau đó bạn gửi giấy ủy quyền này về cho gia đình bạn để thành viên được uỷ quyền thực hiện thay bạn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình bạn.