“Tôi được thừa kế một mảnh đất ở đô thị từ cha mẹ. Anh trai tôi hiện đang sinh sống ở nước ngoài và không có nhu cầu về nhà đất tại Việt Nam, do đó cha mẹ không chia thừa kế cho anh ấy. Tuy nhiên, con ruột của anh trai tôi cho rằng họ cũng có quyền thừa hưởng phần tài sản từ mảnh đất mà ông bà để lại cho tôi. Điều nay này có đúng theo pháp luật không? Nếu đúng, cần giải quyết theo hướng nào? Xin chân thành cảm ơn.”
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Radanhadat. Sau đây là giải đáp cho vấn đề cháu ruột đòi chia đất thừa kế có đúng quy định của pháp luật không?
Cha mẹ lập di chúc miệng để lại toàn bộ di sản
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình . Di chúc cần được lập thành văn bản, nhưng nếu không thể thực hiện bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Di chúc miệng của cha mẹ bạn được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
- Di chúc miệng chỉ được lập trong trường hợp tính mạng của người lập di chúc bị đe dọa bởi cái chết và không thể lập di chúc bằng văn bản .
- Người lập di chúc miệng phải bày tỏ ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Những người làm chứng không được thuộc các trường hợp cấm làm chứng theo Điều 632 của Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm: (i) Người thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật, (ii) Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc, (iii) Người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi. Ngay sau khi người lập di chúc miệng bày tỏ ý chí cuối cùng, người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ để xác nhận nội dung di chúc. Trong vòng 05 ngày làm việc, di chúc miệng phải được công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng .
- Nếu sau 03 tháng kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, thì di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ .
Nếu di chúc miệng của cha mẹ bạn đáp ứng đủ các điều kiện trên, di chúc đó được coi là hợp pháp. Trong trường hợp này, bạn là người thừa kế duy nhất và có quyền hưởng toàn bộ di sản.
Tuy nhiên, nếu di chúc miệng không thỏa mãn một hoặc toàn bộ các điều kiện trên, di chúc sẽ không được coi là hợp pháp. Khi đó, việc phân chia di sản sẽ tuân theo quy định về thừa kế theo pháp luật. Theo đó, di sản sẽ được chia cho những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất, bao gồm bạn và anh trai . Con của anh trai, thuộc hàng thừa kế thứ hai, chỉ có quyền thừa kế nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai do đã qua đời, không có quyền nhận di sản, bị truất quyền hoặc từ chối di sản. Do đó trong trường hợp này, cháu ruột đòi chia đất thừa kế của bạn là không hợp lý.
Ngoài ra, nếu anh trai của bạn từ chối nhận di sản thì phải thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Cha mẹ lập di chúc bằng văn bản để lại toàn bộ di sản
Trong trường hợp này, bạn là người thừa kế duy nhất và có quyền hưởng toàn bộ di sản. Tuy nhiên, để di chúc của cha mẹ được coi là hợp pháp theo quy định pháp luật, cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt tại thời điểm lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.
- Nội dung di chúc không được vi phạm các quy định của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội.
- Hình thức của di chúc phải phù hợp với quy định pháp luật:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự tay viết và ký tên trên bản di chúc. Nội dung di chúc phải tuân thủ các quy định tại Điều 631 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Nếu người lập di chúc không tự viết, họ có thể đánh máy hoặc nhờ người khác viết hộ, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ trước mặt người làm chứng, và người làm chứng cũng phải ký xác nhận vào bản di chúc. Hình thức này phải tuân theo các quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực: Di chúc được công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Thủ tục công chứng hoặc chứng thực di chúc được thực hiện theo Điều 636 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Người có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực di chúc không được thuộc các trường hợp cấm theo Điều 637.
Nếu di chúc bằng văn bản của cha mẹ bạn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện hợp pháp, việc phân chia di sản sẽ tuân theo quy định về thừa kế theo pháp luật như đã phân tích ở phần trên.
(Nguồn Thanhnienviet)
>> Xem thêm bài viết Làm thế nào khi người góp vốn mua đất chung không chịu tách sổ đỏ?
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.