Trong thực tế, không ít trường hợp vợ hoặc chồng bán đất mà không có sự đồng ý của đối phương, dù đó là tài sản chung của vợ chồng. Vậy người chồng có quyền tự ý bán đất cho người khác mà không cần sự đồng ý của vợ không? Trong tình huống như vậy, người vợ có khả năng đòi lại tài sản được hay không?
Chào anh/chị, tôi và chồng tôi đã kết hôn được 7 năm, dạo gần đây chúng tôi có xích mích và tôi có phát hiện chồng tôi đã tự ý bán đất của gia đình mà không có sự đồng ý của tôi, để lấy tiền giữ làm của riêng. Tôi có quyền đòi lại tài sản hay không? Tôi cần làm gì để đòi lại? Xin cảm ơn.
Hương, 52 tuổi
Chồng tự ý bán tài sản chung của vợ chồng, vợ có quyền đòi lại hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:
Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
- Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình 2014 được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng theo đó.
Trong trường hợp chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.
Khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về các trường hợp định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng bao gồm:
- Bất động sản
- Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
- Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Điều 31. Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.”
Từ những quy định trên có thể thấy, vợ chồng bình đẳng với nhau trong quyền, nghĩa vụ đối với tài sản chung, việc định đoạt tài sản chung phải do vợ chồng thỏa thuận và phải được lập thành văn bản đối với trường hợp về bất động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Vì vậy, việc người chồng tự ý bán nhà đất mà không có sự đồng ý của người vợ là trái với quy định của pháp luật.
Hợp đồng giao dịch tài sản chung sẽ vô hiệu khi không có sự đồng ý của vợ?
Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Sau khi bạn tiến hành các thủ tục đòi lại đất, Toà án sẽ tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau đã nhận. Chồng của bạn sẽ hoàn trả tiền đã nhận và bên mua nhà, đất sẽ hoàn trả lại nhà đất cho gia đình bạn.
Hướng dẫn đòi lại tài sản chung của vợ chồng khi chồng tự ý bán
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán nhà đất của chồng bạn là vô hiệu
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai vợ chồng, giấy đăng ký kết hôn, hợp đồng mua bán đất,…
- Bản photo có công chứng các giấy tờ tùy thân: CCCD, CMND, sổ hộ khẩu,…
Bước 2: Nộp hồ sơ lên Tòa án để giải quyết
- Toà án nơi tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công việc hợp đồng mua bán theo khoản 6 Điều 27, điểm a khoản 2 Điều 35, điểm m khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bước 3: Đóng phí và chờ giải quyết
- Chi phí phải nộp: Theo Nghị quyết 326 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệ phí Toà án là 300.000 đồng
- Thời gian giải quyết: Căn cứ Điều 399 Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án sẽ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu trong thời gian nhanh nhất là 02 tháng (01 tháng chuẩn bị xét đơn, mở phiên họp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp…)
Kết luận
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có quyền đòi lại nhà đất và cần thực hiện các thủ tục như bên trên để tiến hành đòi lại nhà đất. Sau khi đòi lại nhà đất bạn và chồng bạn có thể thỏa thuận phân chia tài sản nếu có nhu cầu.
>> Xem thêm: Mua nhà chung cư hết thời hạn 50 năm có mất nhà?