Tại điều 22 nghị định 100/2015/NĐ-CP, người mua cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thủ tục mua nhà ở xã hội để nộp cho chủ đầu tư. Sau khi nhận được hồ sơ, chủ đầu tư sẽ lập danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, hoặc thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên và gửi về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra. Điều này nhằm tránh tình trạng một người được hỗ trợ mua, thuê, hoặc thuê mua nhà ở xã hội nhiều lần.
Các loại hồ sơ và thủ tục mua nhà ở xã hội chuẩn 2024
Để mua nhà ở xã hội, cần chuẩn bị những giấy tờ hợp pháp sau:
Hồ sơ chung
- Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội (điền đơn theo mẫu).
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (3 bản chứng thực).
- Đăng ký hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (3 bản chứng thực).
- Ảnh các thành viên trong gia đình (ảnh 3×4, mỗi thành viên 3 ảnh).
Nếu có các loại giấy tờ ưu tiên khác, hãy nộp kèm cùng hồ sơ.
Hồ sơ minh chứng về đối tượng và thực trạng nhà ở
- Người có công với cách mạng cần giấy tờ minh chứng theo quy định của pháp luật, xác nhận về thực trạng nhà ở hiện nay và chưa nhận được sự hỗ trợ nhà ở của nhà nước do UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp.
- Các đối tượng thuộc diện 4, 5, 6, 7 của Điều 49 Luật Nhà ở cần có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở hiện tại.
- Đối tượng thuộc diện 8 Điều 49 Luật Nhà ở cần giấy xác nhận đã trả lại nhà ở công vụ do cơ quan quản lý công vụ cấp.
- Đối tượng thuộc diện 9 Điều 49 Luật Nhà ở cần có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập.
- Đối tượng thuộc diện 10 Điều 49 Luật Nhà ở cần bản sao chứng thực chứng minh người đó có tên trong danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền, kèm giấy xác nhận của UBND cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.
Hồ sơ minh chứng về điều kiện cư trú
- Người có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội cần bản sao chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó.
- Người không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội cần bản sao chứng thực giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng lao động có thời hạn một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp các đối tượng làm việc cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội mà đóng bảo hiểm tại địa phương nơi đặt trụ sở chính thì cần giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị đặt trụ sở chính về việc đóng bảo hiểm.
Hồ sơ chứng minh về thu nhập
- Các đối tượng thuộc khoản 4 Điều 49 Luật Nhà ở cần kê khai mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin kê khai.
- Các đối tượng thuộc khoản 5, 6, 7 của Điều 49 Luật Nhà ở cần xác nhận của cơ quan, đơn vị đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập.
Trình tự mua hoặc thuê nhà ở xã hội
- Chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin về dự án và công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án. Dự án phải được xuất hiện ít nhất một lần trên cơ quan báo chí ngôn luận của chính quyền địa phương và trên sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư.
- Chủ đầu tư phải báo cáo bằng văn bản về tổng số căn hộ sẽ bán, cho thuê, cho thuê mua, cùng thời điểm bắt đầu bán, cho thuê, cho thuê mua để Sở Xây dựng biết và kiểm tra. Thông tin này cần được thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng trong vòng một tháng kể từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ, đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại dự án.
- Những đối tượng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua sẽ nộp hồ sơ cho chủ đầu tư.
- Chủ đầu tư sẽ xem xét hồ sơ, lập danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở. Trường hợp không còn quỹ nhà để giải quyết, chủ đầu tư có trách nhiệm nêu rõ lý do, hoàn trả lại hồ sơ và cung cấp giấy tờ biên nhận khi nhận hồ sơ.
- Chủ đầu tư gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng để kiểm tra và loại trừ. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận danh sách, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến gì thì chủ đầu tư sẽ thông báo cho các đối tượng mua đến để thỏa thuận, thống nhất và ký hợp đồng.
- Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư sẽ thỏa thuận việc thanh toán nhà ở trực tiếp hoặc thông qua ngân hàng.
- Khi ký hợp đồng mua bán và cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án cần có trách nhiệm lập danh sách các đối tượng mua, thuê mua và gửi về Sở Xây dựng để công bố công khai.
(Nguồn luatminhkhue)
>> Xem thêm bài viết Danh sách nhà ở xã hội Quận 2 theo cập nhật mới nhất
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.