Hiện nay, vấn nạn tin giả và tin ảo lan rộng trong nhiều ngành, trong đó có lĩnh vực bất động sản – Proptech, với các giao dịch mua bán, cho thuê nhà đất được đăng tải. Có nhiều mục đích cho những tin đăng giả này, từ thu thập thông tin cá nhân cho đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vậy làm sao để nhận diện và sàng lọc các tin giả trong biển thông tin trên các trang web đăng tin bất động sản, giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm được thông tin chính xác? Dưới đây là 4 dấu hiệu cơ bản nhất để phát hiện tin đăng nhà đất ảo mà bạn cần đặc biệt lưu ý:
Tin đăng có giá thấp hơn nhiều so với thị trường
Một trong những chiêu thức thông dụng của người đăng tin ảo (thường là các môi giới) là để giá bất động sản thấp đáng kể so với mức giá trung bình của thị trường. Họ thường đưa ra các lý do như cần bán gấp do chuyển công tác, người bán đang cần tiền, giải quyết vấn đề gia đình, hay tài sản đang được ngân hàng thanh lý, v.v., để biện minh cho mức giá này.
Khi người mua bị thu hút bởi mức giá rẻ, họ liên hệ với người đăng tin. Sau đó được thông báo rằng bất động sản đã được bán và được giới thiệu các lựa chọn khác với giá cao hơn hoặc tại khu vực khác. Một số môi giới còn lừa đưa khách hàng đến vị trí xa xôi, rồi dùng lời lẽ ngon ngọt để thuyết phục họ đặt cọc ngay tại chỗ, thường là tại nơi hẻo lánh, khó xác định vị trí.
Ngược lại, có trường hợp người đăng tin đưa ra mức giá cao hơn thực tế để “thổi” giá, tạo cơn “sốt” đất ảo và thao túng thị trường.
Tin đăng nhà đất giả có thông tin không minh bạch
Các tin đăng bất động sản chứa thông tin mập mờ, không rõ ràng hoặc có sự mâu thuẫn giữa mô tả và hình ảnh thường là dấu hiệu của tin giả. Chẳng hạn, một tin đăng quảng cáo bán nhà với giấy tờ pháp lý đầy đủ nhưng lại không có hình ảnh của sổ hồng, hoặc khi yêu cầu xem ảnh sổ từ người đăng tin mà không nhận được phản hồi rõ ràng, thì có khả năng rất cao là thông tin về sổ hồng không chính xác, có thể là sổ chung hoặc đã được thế chấp.
Một trường hợp phổ biến khác là tin đăng với địa chỉ không chính xác, ví dụ quảng cáo nhà gần mặt đường lớn nhưng thực tế lại nằm sâu trong hẻm hoặc ở một tỉnh khác, sai loại hình bất động sản. Có trường hợp người mua sau khi liên hệ với người đăng tin bán nhà ở Quận 9 TP.HCM lại bị lừa đưa đến Đồng Nai hoặc Bà Rịa để xem đất nền.
Tin đăng không có hình ảnh thực tế
Một dấu hiệu khác của tin đăng nhà đất giả là thiếu hình ảnh thực tế của bất động sản. Thay vào đó, người đăng thường sử dụng hình ảnh trên mạng hoặc hình thiết kế của chủ đầu tư. Điều này không chỉ làm khó cho người mua trong việc kiểm tra tình trạng thực sự của nhà đất, mà còn có thể là lừa dối. Vì vậy, người mua cần thận trọng với những tin đăng không có hình ảnh cụ thể hoặc có vẻ không liên quan đến bất động sản được rao bán.
Tin đăng hứa hẹn lợi nhuận “trên trời”
Lợi dụng lòng tham của những người đầu tư bất động sản muốn kiếm lợi nhuận lớn, một số môi giới bất động sản đã quảng cáo những dự án với cam kết lợi nhuận cao không tưởng, có thể lên đến 40-50% mỗi năm. Những nhà đầu tư mới dễ bị hấp dẫn và bị lừa bởi những lời hứa lợi nhuận khổng lồ, cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.
Những người mua để ở không nên quá quan tâm đến lợi nhuận, mà hãy chú trọng vào giá cả, tiện ích và môi trường sống để tìm bất động sản phù hợp với nhu cầu an cư. Đối với nhà đầu tư, hãy thận trọng với những tin đăng bất động sản hứa hẹn lợi nhuận cao và luôn tìm kiếm những dấu hiệu đáng nghi, không thực tế để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.
Người đăng tin yêu cầu đặt cọc trước khi xem nhà
Những kẻ lừa đảo thường tạo danh tính giả, đăng tin thuê nhà ảo với mức giá hấp dẫn và hình ảnh đẹp để lôi kéo nạn nhân. Họ yêu cầu người thuê chuyển tiền đặt cọc trước để giữ chỗ, rồi sau đó chiếm đoạt số tiền đó.
Khi có người liên hệ muốn xem nhà, họ thường đưa ra lý do không thể xem nhà vào lúc này và yêu cầu đặt cọc trước do nhà đang có nhiều khách quan tâm. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, những kẻ lừa đảo này biến mất và tìm kiếm nạn nhân mới.
Hãy luôn cảnh giác và không bao giờ chuyển tiền trước khi xem nhà thực tế và xác minh thông tin chính xác. Đặc biệt hãy thận trọng với các tin đăng có giá thấp và người đăng tạo áp lực phải chuyển tiền nhanh chóng.
Một chiêu trò khác là họ yêu cầu bạn nhấp vào đường link để xem hình ảnh nhà, nhưng thực chất đây cách để đánh cắp thông tin cá nhân và tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn. Hãy cảnh giác đừng nhấp vào bất kỳ đường link nào và nhanh chóng báo cáo với bộ phận chăm sóc khách hàng của trang web đăng tin nếu bạn nghi ngờ.