Nghị định số 100/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 29/7, đã quy định cụ thể một số điều của Luật Nhà ở liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà ở. Bắt đầu từ ngày 1/8 tới, các điều kiện về thu nhập để mua nhà ở xã hội sẽ chính thức được nới lỏng.
Điều kiện về thu nhập để mua nhà ở xã hội có sự thay đổi
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết theo quy định tại Nghị định 100 từ ngày 1/8/24, điều kiện về thu nhập để mua nhà ở xã hội đối với người độc thân là thu nhập thực nhận hàng tháng không được vượt quá 15 triệu đồng, căn cứ theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, hoặc doanh nghiệp nơi làm việc xác nhận. Mức thu nhập này đã được điều chỉnh tăng so với giới hạn 11 triệu đồng theo quy định trước đây.
Đối với trường hợp người đăng ký đã kết hôn, tổng thu nhập thực nhận hàng tháng của cả hai vợ chồng không được vượt quá 30 triệu đồng, cũng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, hoặc doanh nghiệp xác nhận. Thời gian để xác định điều kiện thu nhập là trong 1 năm liền kề, tính từ khi đối tượng nộp hồ sơ hợp lệ đăng ký mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng đã loại bỏ điều kiện yêu cầu hộ gia đình phải có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội tại các địa phương. Đặc biệt, ngay cả khi đã có nhà ở thuộc sở hữu cá nhân nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 15 m2 sàn/người (tăng 5 m2 so với quy định trước đây), người dân vẫn có quyền tiếp cận chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Người dân dễ dàng tiếp cận tới nhà ở xã hội hơn
Theo ông Nguyễn Văn Đính, các quy định mới này thể hiện sự thấu hiểu và hợp lý, đáp ứng kỳ vọng của cả doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình đang đóng thuế cho Nhà nước. Ông Đính nhấn mạnh rằng, nhà ở xã hội không phải để bán cho người giàu, nhưng cũng không nên giới hạn chỉ dành cho những người không nộp thuế thu nhập cá nhân như hiện tại.
Thay vào đó, cần mở rộng đối tượng bao gồm cả những người có thu nhập trung bình nhưng khó tiếp cận với nhà ở thương mại do giá ngày càng cao. Thực tế, để mua được nhà ở xã hội, người dân cần có một mức tích lũy nhất định. Nếu thu nhập quá thấp hoặc thuộc diện nghèo, cận nghèo, không đủ điều kiện nộp thuế thu nhập cá nhân, điều này có nghĩa là họ không đủ khả năng tài chính để mua nhà ở xã hội.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, các quy định mới sẽ thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, góp phần giải quyết tình trạng “vừa thiếu vừa dư thừa” mà phân khúc này đã gặp phải trong thời gian qua, đặc biệt tại các tỉnh và thành phố phát triển gần các khu công nghiệp với lượng lao động nhập cư lớn. Việc này không chỉ nhằm đảm bảo an sinh xã hội mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội toàn diện cho đất nước. Có thể nói phát triển nhà ở xã hội chưa bao giờ nhận được nhiều cơ chế ưu đãi và hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ, cùng các Bộ ngành như lúc này.
Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn là vấn đề cần giải quyết
Nguồn cung nhà ở xã hội tại hai đô thị lớn vẫn đang gặp khó khăn. Cụ thể, số lượng nhà ở xã hội đăng ký phát triển trong năm 2024 tại Hà Nội và TP.HCM vẫn rất hạn chế.
Vào giữa quý 1/2024, tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ ra rằng, Hà Nội chỉ đăng ký khoảng 1.181 căn hộ, trong khi TP.HCM là 3.700 căn. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi năm thiếu hơn 50.000 đơn vị nhà ở. Do đó, ngay cả khi kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của hai thành phố này được thực hiện tối đa, nguồn cung vẫn không đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nhà ở của người dân.
Vì vậy để thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội, đặc biệt là tại hai đô thị lớn, cần sớm thông qua gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả sự tham gia của 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mỗi ngân hàng đăng ký 5.000 tỷ đồng) với điều kiện ưu đãi hơn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thi hành các quy định mới, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã khởi công tại các thành phố có nhu cầu cao như Hà Nội và TP.HCM.
(Nguồn batdongsan)
>> Xem thêm bài viết Nhiều quy định mới về căn hộ khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực
** Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Radanhadat thực hiện bài viết này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của bài viết nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.