Xin chào Radanhadat.vn, tôi muốn hỏi trường hợp ông bà mất và có để lại một phần tài sản cho cháu trai là một căn nhà vậy thì người dưới 18 tuổi có được đứng tên sổ đỏ hay không? Xin cảm ơn.
Về trường hợp này, Radanhadat.vn xin giải đáp cụ thể như sau:
Giao dịch dân sự của người dưới 18 tuổi được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 21, Luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự của người dưới 18 tuổi như sau:
Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Nguồn: Luật Việt Nam
Từ căn cứ pháp lý trên, ta có thể hiểu người dưới 18 tuổi (chưa thành niên) khi thực hiện giao dịch dân sự cần thông qua người đại diện theo pháp luật của mình, cụ thể:
- Giao dịch dân sự của người < 6 tuổi sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập và thực hiện.
- Giao dịch dân sự của người đủ 6 tuổi đến < 15 tuổi khi xác lập và thực hiện cần phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
- Giao dịch dân sự của người đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tự mình xác lập và thực hiện (trừ các giao dịch dân sự liên quan đến: bất động sản, giao dịch dân sự khác theo quy định của luật) cần phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Người đại diện theo pháp luật của người dưới 18 tuổi là ai?
Căn cứ vào Điều 136, Luật Dân sự năm 2015 quy định về người đại diện pháp luật của cá nhân như sau:
Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
Nguồn: Luật Việt Nam
Bên cạnh đó, cũng tại Điều 59 của Luật này, quy định về việc quản lý tài sản của người đại diện theo pháp luật như sau:
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Nguồn: Luật Việt Nam
Như vậy, có thể hiểu người đại diện theo pháp luật của cá nhân là:
- Đối với người chưa thành niên thì người đại diện theo pháp luật được quy định là cha mẹ.
- Đối với người chưa thành niên và gặp khó khăn trong nhận thức thì người đại diện theo pháp luật được quy định là người giám hộ.
Người dưới 18 tuổi có được quyền đứng tên trên sổ đỏ hay không?
Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các trường hợp không được cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất được quy định cụ thể như sau:
1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.
2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Nguồn: Thư viện pháp luật
Dựa vào căn cứ trên, có thể thấy được hiện tại pháp luật vẫn chưa có quy định về việc cấm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với người dưới 18 tuổi.
Cũng căn cứ tại Điều 5, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi bởi khoản 4&5, Điều 6, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) có quy định việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu,… tại trang 1 của sổ đỏ cũng không có nội dung đề cập đến độ tuổi của người đứng tên.
Kết luận
Như vậy, người dưới 18 tuổi có quyền được đứng tên sổ đỏ bởi vì pháp luật chỉ hạn chế độ tuổi của cá nhân được tự mình thực hiện các giao dịch bất động sản mà không quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trên Sổ đỏ. Tuy nhiên, quy định không nêu rõ nhưng thường người được đứng tên là người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó (cả cha và mẹ hoặc là cha hoặc mẹ).
>> Xem thêm: Chuẩn bị giấy tờ thừa kế đất đai cần lưu ý gì trong năm 2024?