Thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2024 đã nhận được nhiều dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, nhiều chính sách mới được áp dụng khiến tính thanh khoản được khơi thông, mang lại hy vọng mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư sau một thời gian dài đối mặt với khó khăn.
Kinh tế vĩ mô đã tác động ra sao đến thị trường BĐS nửa đầu năm 2024?
Các yếu tố vĩ mô thuận lợi tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi của ngành bất động sản.
Lãi suất ảnh hưởng đến sức mua và tình hình giao dịch BĐS
Lãi suất cao gây áp lực cho doanh nghiệp và người dân vay vốn mua nhà hay đầu tư dự án, trong khi lãi suất thấp có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn. Hơn hai năm qua, lãi suất huy động đã giảm liên tục và bắt đầu tăng trở lại trong khoảng 3 tháng gần đây.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhu cầu tín dụng vẫn khá yếu nên việc tăng lãi suất tiết kiệm sẽ khó tác động đáng kể đến lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Giữ mức lãi suất hiện tại sẽ giúp giảm bớt áp lực về vốn và tâm lý cho người mua nhà, từ đó tạo thêm điều kiện để thị trường bất động sản có nhiều cơ hội khởi sắc hơn.
Thực hiện nhiều chính sách mở rộng tín dụng
Nhìn theo hướng tích cực, sau 2 năm đầy khó khăn, đặc biệt là do các doanh nghiệp BĐS thiếu hụt dòng tiền, tính từ cuối năm 2023 một số doanh nghiệp đã bắt đầu trở lại thị trường nhờ những chính sách mở rộng tín dụng từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Theo dữ liệu tổng hợp từ trang bất động sản của Propertyguru Việt Nam, trong nửa đầu năm 2024, FDI vào bất động sản trong năm tháng đầu năm đã đạt 70% so với cả năm 2023, là một điểm sáng đáng chú ý.
Đặc biệt, so với năm 2023, các kênh đầu tư đều ghi nhận dấu hiệu tích cực, trong đó đầu tư bất động sản và vàng có lợi suất cao nhất. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục tăng, và trái phiếu cùng nợ xấu vẫn là những thách thức lớn trong thời gian tới.
Ngoài ra, nghịch lý là mặc dù thị trường thiếu nguồn cung mới, nhưng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn còn lớn, cho thấy sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.
Toàn cảnh thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2024
Cùng Radanhadat.vn nhìn lại toàn cảnh thị trường bất động sản biến động ra sao trong 6 tháng đầu năm 2024.
Mức độ quan tâm và biến độ giá BĐS
Về lượt tìm kiếm:
Theo Radanhadat.vn cập nhật từ dữ liệu của Propertyguru Việt Nam, lượt tìm kiếm bất động sản ghi nhận tín hiệu hồi phục sau khi “chạm đáy” vào cuối quý 4/2022 và đầu quý 1/2023 và bắt đầu rõ nét hơn từ quý 1/2024.
Thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM hầu hết đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng trong 2 quý đầu năm đối với các loại hình. Đáng chú ý, tại thị trường Hà Nội ghi nhận biến động mạnh nhất ở loại hình đất bán. Cụ thể, lượt tìm kiếm các loại đất bán (đất nền, thổ cư) trong sáu tháng đầu năm tăng 118% so với cùng kỳ năm 2023.
Chung cư Hà Nội cũng là loại hình có biến động lượt tìm kiếm tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, với mức tăng khoảng 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhà riêng, nhà phố và biệt thự bán ghi nhận lượt tìm kiếm tăng lần lượt 33%, 27% và 9%.
Lượt tìm kiếm tại thị trường BĐS TP.HCM tuy không biến động mạnh nhưng cũng ghi nhận mức tăng khá cao. Cụ thể, lượt tìm kiếm các loại đất bán tăng 45%, lượt tìm kiếm nhà riêng tăng 34%, lượt tìm kiếm chung cư, biệt thự và nhà phố tăng lần lượt 33%, 25% và 22%.
Về giá bán:
Giá bán bất động sản tại thị trường Hà Nội cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội hơn so với TP.HCM. Cụ thể, tại TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2024, ngoại trừ loại hình chung cư ghi nhận giá bán tăng 6% so với cùng kỳ, các loại hình khác không có biến động đáng kể. Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, giá chung cư tăng vọt, lên đến 31%. Thực tế, trong mấy tháng qua, giỏ hàng sơ cấp tại Hà Nội hết sạch sau mỗi đợt mở bán dù giá tăng mạnh. Minh chứng rõ nhất cho con số này là Lumi Hanoi và một số phân khu thuộc hệ sinh thái Vinhomes Smart City như The Capony, Lumi Evergreen, Solar Park.
Bên cạnh chung cư, giá nhà riêng cũng tăng 32% so với nửa đầu năm 2023. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do giá chung cư tăng cao và nguồn cung khan hiếm, nhiều người chuyển sang tìm kiếm nhà riêng ở tầm giá từ 2 – 4 tỷ đồng, khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh. Tương tự, giá đất, giá biệt thự và nhà phố tại Hà Nội cũng tăng lần lượt 19%, 18%, và 10%.
Biến động của các loại hình chính
Về loại hình chung cư:
Chung cư là từ khóa nóng nhất trên thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024, đặc biệt tại Hà Nội. Nguồn cung khan hiếm và giá bán tăng vọt đã khiến giá chung cư Hà Nội tiệm cận với mặt bằng giá chung cư TP.HCM, mặc dù chỉ chưa đầy hai năm trước, khoảng cách này khá lớn.
Cụ thể, nếu lấy tháng 1/2023 làm cột mốc so sánh thì tại thời điểm đó, giá bán chung cư TP.HCM trung bình là 47 triệu đồng/m², trong khi giá chung cư Hà Nội trung bình khoảng 38 triệu đồng/m². Đến hết tháng 05/2024, giá chung cư trung bình (theo tin đăng bán) ở cả Hà Nội và TP.HCM đều tiệm cận mốc 50 triệu đồng/m².
Đáng chú ý, tình trạng tăng giá chung cư tại Hà Nội không chỉ xảy ra ở một số ít khu vực mà diễn ra trên diện rộng, bao gồm tất cả các phân khúc, khu vực và dự án.
Lượt tìm kiếm chung cư theo Propertyguru Việt Nam cũng diễn biến theo xu hướng tăng giá. Từ tháng 10/2023, lượt tìm kiếm chung cư đạt đỉnh vào khoảng tháng 3/2024, và tính đến hết tháng 5 đã tăng 32% tại TP.HCM và 29% tại Hà Nội. Có thể nói, chung cư là loại hình chính tạo động lực phục hồi cho hai thị trường này trong nửa đầu năm 2024.
Hiện tại, mặc dù chung cư đã hạ nhiệt, nhưng vẫn duy trì là loại hình có thanh khoản tốt nhất so với phần còn lại của thị trường.
Về loại hình đất nền, nhà riêng:
Trong nửa đầu năm 2024, loại hình nhà riêng và đất nền đã có những chuyển biến tích cực cả về lượt tìm kiếm và giao dịch. So với quý 1/2023, lượt tìm kiếm đất nền đã phục hồi khoảng 33%, trong khi lượt tìm kiếm nhà riêng tăng khoảng 18%.
Theo một khảo sát của Propertyguru Việt Nam với nhóm các nhà môi giới, đa số người tham gia khảo sát đều cho biết giao dịch mua bán loại hình nhà riêng tương đối ổn định trong quý 1 và quý 2/2024. Đáng chú ý nhất, mức độ quan tâm và giao dịch ở 2 loại hình này chỉ cải thiện cục bộ ở Hà Nội, và khá trầm lắng ở hầu hết các tỉnh phía Bắc khác.
Tại miền Trung, Đà Nẵng nổi lên như một điểm sáng cho hai loại hình này, trong khi ở miền Nam, thị trường mới chỉ bắt đầu dần cải thiện sau đợt điều chỉnh giá.
Về loại hình bất động sản nghỉ dưỡng:
Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục là loại hình trầm lắng nhất trên toàn cảnh thị trường nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, phân khúc này đã bắt đầu có những tín hiệu phục hồi nhất định. Đặc biệt, biệt thự nghỉ dưỡng và nhà mặt phố có sự phục hồi rõ nét hơn so với condotel.
Đáng chú ý, sự chuyển biến của bất động sản nghỉ dưỡng diễn ra cục bộ ở các tỉnh thành phía Bắc và dự kiến phát triển theo du lịch đường bộ. Trong khi đó, ở những tỉnh có lợi thế về du lịch biển tại phía Nam, như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, lượt tìm kiếm bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa tăng trưởng trở lại.
Kết luận
Trên đây là toàn cảnh thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2024 được Radanhadat.vn tổng hợp và chia sẻ. Có thể thấy, đây là giai đoạn củng cố, với những tín hiệu đảo chiều xuất hiện ở một số loại hình, chỉ ra rằng giai đoạn bứt tốc đang đến gần. Radanhadat.vn sẽ liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về diễn biến thị trường, bạn đừng quên truy cập theo dõi thường xuyên nhé!
***Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Radanhadat.vn thực hiện tài liệu này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước.
Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của tài liệu nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.
Chúng tôi xử lý thông tin dựa trên nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không kiểm chứng nguồn tin và không đảm bảo tính chính xác.
Radanhadat.vn sở hữu độc quyền tài liệu và nội dung bên trong. Tài liệu không được phép sao chép toàn bộ hoặc một phần mà không có sự đồng ý của Radanhadat.vn.
>> Xem thêm: Nguồn cung bất động sản sơ cấp thấp kỷ lục, 3 luật mới có thể “cứu vãn” thị trường?