Quốc hội hiện đang cân nhắc việc thông qua dự án Luật sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15, và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 tại Kỳ họp thứ 7 (ngày 29/06/2024), theo hướng đề xuất cho phép các luật này có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, 83.3% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Sớm áp dụng quy định mới, khắc phục nhiều vấn đề tồn đọng
Việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.
Ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng thời điểm luật có hiệu lực do lo ngại về tiến độ và lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc thẩm quyền của địa phương. Thời gian cho các địa phương ban hành các văn bản này là rất gấp rút.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ đã báo cáo về tiến độ ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tại Phụ lục số 01.
Ngoài ra, với những văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành và địa phương khẩn trương tập trung ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
“Chính phủ khẳng định, trường hợp Quốc hội thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 7 thì vẫn còn thời gian để các địa phương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024” – ông Vũ Hồng Thanh nói.
Nguồn: CafeF
Kỳ vọng tạo động lực mới phát triển thị trường
“Tôi thấy nếu thông qua được thì rất tốt, chắc chắn như thế. Bởi vì, hiện nay chúng ta đều biết các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu bất động sản không được khơi thông cũng giống như dòng máu của nền kinh tế sẽ bị tắc nghẽn và để càng lâu càng ảnh hưởng đến nền kinh tế” – Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu quan điểm.
Nguồn: Báo điện tử VOV
Ông cho rằng, nếu 4 bộ luật này hiệu lực sớm sẽ góp phần tạo động lực đến sự tăng trưởng GDP trong 06 tháng cuối năm, thậm chí con số còn có thể vượt qua kế hoạch mà Quốc hội đã giao trước đó.
“Tôi vừa nghe một cử tri phản ánh có doanh nghiệp FDI bây giờ người ta muốn mở rộng sản xuất, nhưng không mở rộng được bởi vì vướng quy định và địa phương không dám ký. Các doanh nghiệp lớn có kế hoạch vốn bố trí, nếu chậm trễ có thể người ta phải tái cơ cấu và chuyển vốn. Cho nên, ban hành luật này càng sớm càng tốt” – ông Nguyễn Quang Huân nói thêm.
Nguồn: Báo điện tử VOV
Vấn đề mà đại biểu băn khoăn là Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn, cũng như tổ chức các buổi tập huấn để hỗ trợ các địa phương hoàn thiện các hướng dẫn thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, Chính phủ cần dự trù các rủi ro có thể phát sinh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhấn mạnh rằng các luật này rất quan trọng, có liên hệ mật thiết đến việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cũng như phát triển thị trường bất động sản.
Nội dung Luật Đất đai 2024 và các Luật khác khi có hiệu lực đã được Quốc hội thông qua cho thấy có nhiều điểm mới, khắc phục được các vấn đề tồn tại và bất cập trong quá trình thực hiện, và bao gồm nhiều quy định đột phá, góp phần ổn định chính trị, an ninh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, cũng như tăng cường sự minh bạch trong việc tiếp cận đất đai và quản lý thị trường bất động sản và nhà ở. Những quy định này được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới.
“Qua ý kiến thảo luận và từ góc độ quản lý ở địa phương, tôi rất ủng hộ với tờ trình và đề xuất của Chính phủ là cho phép các luật trên có hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với nghị quyết của Quốc hội” – nữ đại biểu bày tỏ ủng hộ.
Nguồn: Báo điện tử VOV
Kết luận
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo sát sao việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành từ các bộ, ngành và địa phương, nhằm tránh các vướng mắc do thiếu hoặc chậm trễ trong việc ban hành các văn bản cụ thể hóa. Không để xảy ra tình trạng thông tư phải “chờ” nghị định, hay văn bản của địa phương phải “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương. Cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành từ ngày 01/08/2024.
“Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt bộ ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của mình, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hoá, trình cấp thẩm quyền ký ban hành kịp thời sau khi các luật này được thông qua” – đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị.
Nguồn: Báo điện tử VOV
***Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Radanhadat.vn thực hiện tài liệu này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước.
Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của tài liệu nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.
Chúng tôi xử lý thông tin dựa trên nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không kiểm chứng nguồn tin và không đảm bảo tính chính xác.
Radanhadat.vn sở hữu độc quyền tài liệu và nội dung bên trong. Tài liệu không được phép sao chép toàn bộ hoặc một phần mà không có sự đồng ý của Radanhadat.vn.
>> Xem thêm: Có gì thay đổi ở các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc TPHCM trong 2024?