“Xin chào Radanhadat. Hiện tại tôi có 2 quốc tịch là Canada và Việt Nam. Tôi có hộ chiếu Việt Nam vào năm 2021 nhưng vẫn chưa thường trú. Nếu tôi muốn mua đất ở Việt Nam thì có được không và thủ tục mua như thế nào?”
Huế, 5/4/24
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Radanhadat.vn. Dưới đây là tư vấn cho thắc mắc “Người có 2 quốc tịch có được mua đất không?”
Người có 2 quốc tịch có được mua đất không?
Dựa trên thông tin cung cấp, bạn có quốc tịch Việt Nam và đang sinh sống thường trú tại Canada. Theo Điều 3, Khoản 3 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008: “3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”, như vậy nghĩa là bạn thuộc vào nhóm người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Điểm đ, Khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai 2013 có quy định về quyền sử dụng đất của người Việt định cư nước ngoài như sau
“đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;”
Khoản 1, Điều 186 Luật Đất đai 2013 cũng có quy định:
“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.”
Theo Điều 8 của Luật Nhà ở năm 2014, để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cần tuân thủ các điều kiện sau:
- Được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
- Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức như mua, thuê mua nhà ở thương mại từ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc hợp tác xã kinh doanh bất động sản (được gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở từ hộ gia đình hoặc cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Dựa theo các quy định trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ có thể nhận chuyển nhượng trực tiếp quyền sử dụng đất trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Trong các trường hợp khác, pháp luật chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thông qua mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất ở, tức là chỉ chấp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi kèm theo việc nhận nhà ở. Trong cả hai trường hợp này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt buộc phải đáp ứng điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam.
Trình tự mua bất động sản được phép chuyển nhượng đối với người Việt định cư nước ngoài
Bước 1: Công chứng hợp đồng
Hai bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đến một tổ chức công chứng tại tỉnh nơi có đất cần chuyển nhượng để tiến hành công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các giấy tờ cần thiết để công chứng bao gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng (theo mẫu).
- Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng (nếu có).
- Bản gốc CMND, CCCD, Hộ chiếu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.
- Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Bản sao của các giấy tờ khác liên quan đến hợp đồng.
Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính
Thực hiện việc kê khai nghĩa vụ tài chính tại Văn phòng đăng ký đất đai. Hồ sơ để thực hiện việc sang tên sổ đỏ bao gồm:
- Tờ khai lệ phí trước bạ (02 bản do bên mua ký).
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (02 bản do bên bán ký).
- Hợp đồng công chứng đã lập (01 bản chính).
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (01 bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền).
- Bản sao CMND + Sổ hộ khẩu của cả bên mua và bên bán (01 bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền).
- Đối với trường hợp cho tặng, thừa kế, phải có giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của người cho và người nhận để được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Thời hạn nộp thuế thông báo: 10 ngày. Sau khi có thông báo, người nộp thuế phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Bước 3: Kê khai hồ sơ sang tên
- Đơn đề nghị đăng ký biến động (do bên bán ký); trong trường hợp có thoả thuận trong hợp đồng về việc bên mua thực hiện thủ tục hành chính, thì bên mua có thể ký thay.
- Hợp đồng chuyển nhượng.
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (bản gốc).
- Bản gốc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
- Bản sao CMND, CCCD, Hộ chiếu của bên nhận chuyển nhượng.
Bước 4: Nhận kết quả
Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, nộp biên lai cho Văn phòng đăng ký đất đai để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở/căn hộ trên đất.
(Nguồn Luatvietnam)
>> Xem thêm bài viết: