Vừa qua, UBND Quận 1 đã tổ chức cuộc hội nghị gặp gỡ dành cho doanh nghiệp quan tâm đến dự án chợ Gà Gạo với mục đích kêu gọi nhà đầu tư thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị tại khu vực trung tâm TPHCM.
Với quy mô không lớn, dân số khá đông và chỉ tiêu quy hoạch không cao, nên các chuyên gia cho rằng chính quyền cần nghiên cứu và áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chỉ tiêu quy hoạch.
Đề xuất cơ chế đặc biệt cho quận 1 để kêu gọi đầu tư dự án chợ Gà Gạo
Tại hội nghị gặp gỡ ngày 27/6/2024, ông Dương Anh Đức – Bí thư Quận ủy quận 1 đã đánh giá, khu vực quận đã kêu gọi đầu tư nhiều lần nhưng vẫn tồn đọng khó khăn về chiều cao, chỉ số sử dụng đất, nên nhiều nhà đầu tư không mặn mà với dự án này.
Nhu cầu quy hoạch dự án Chợ Gà Gạo Quận 1
Chợ Gà Gạo Quận 1 là khu chợ truyền thống với tổng diện tích khoảng 3.384 m2, bao gồm 237 sạp. Cụ thể, Chợ Gà có 113 sạp với 112 hộ và 458 nhân khẩu; Chợ Gạo có 57 sạp, 80 hộ và 332 nhân khẩu; Hẻm số 3 Yersin có 67 sạp, 45 hộ và 171 nhân khẩu.
Các ô chợ được kết nối bằng những lối đi hẹp chỉ khoảng 1m. Những nhà sạp ở đây có quy mô từ 1-3 tầng, vừa để buôn bán vừa là nơi sinh sống của người dân. Tuy nhiên, khu chợ hiện đang xuống cấp, ẩm thấp, và khoảng cách giữa các sạp cũng như lối đi không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và an toàn thoát hiểm. Vì vậy, việc quy hoạch và chỉnh trang lại khu vực này là cần thiết để cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt cho người dân.
Ngày 10/01/2022, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã gửi văn bản báo cáo UBND thành phố về đề xuất giải quyết các kiến nghị của UBND quận 1 trong năm 2021 liên quan đến dự án tại khu chợ Gà Gạo, thuộc phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1. Theo đó, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc để mời gọi đầu tư dự án chợ Gà, Gạo được đề xuất như sau:
Diện tích tổng thể của khu đất là 6.339 m2, trong đó diện tích phù hợp với quy hoạch khoảng 5.949 m2. Mật độ xây dựng tối đa được phép là 50%, hệ số sử dụng đất là 10, và chiều cao tối đa của công trình là 50m. Dự án này dự kiến sẽ phục vụ cho dân số khoảng 700 người.
Nhận định và đề xuất tại hội nghị về dự án chợ Gà, Gạo
Tại hội nghị, các chuyên gia đã đánh giá rằng dự án chợ Gà, Gạo có vị trí thuận lợi, được bao quanh bởi nhiều nút giao thông quan trọng như đường sông, đường bộ và tuyến metro. Tuy nhiên, để thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư, cần có một định hướng chi tiết và cụ thể, trong đó phải làm rõ bài toán kinh tế, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích cộng đồng và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tiến hành điều tra xã hội học và lấy ý kiến cộng đồng dân cư về dự án này.
Đại diện các doanh nghiệp đã nhấn mạnh rằng cần xem xét lại các quy định về mật độ xây dựng và chiều cao của dự án, cùng với quy mô dân số sao cho hợp lý. Với chiều cao tối đa 50m và vấn đề tái định cư, quy mô nhà ở thương mại còn lại sẽ không đủ để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Họ cũng đề xuất làm rõ các hình thức đầu tư, cơ chế đấu thầu, ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên rất quan tâm đến việc nâng chất đời sống nhân dân TP, đặc biệt những khu vực người dân gặp khó khăn như khu vực chợ Gà, Gạo. Nơi đây, người dân phải chia sẻ nhà vệ sinh, nhà tắm, có những người phải luân phiên nhau để ngủ. Những khó khăn này, lãnh đạo quận qua nhiều thời kỳ đều mong muốn có giải pháp để chỉnh trang đô thị ở khu vực này”- ông Dương Anh Đức chia sẻ.
Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TPHCM
Nghiên cứu áp dụng tốt chính sách và chỉ tiêu quy hoạch dự án
Trước những đề xuất của doanh nghiệp, ông Đức khẳng định Quận sẽ ghi nhận, tổng hợp và đưa ra những giải pháp khả thi. Đồng thời, Quận sẽ tìm hiểu và cân nhắc hiện trạng khu vực, phân tích và đánh giá dân cư, pháp lý của từng hộ dân để các phương án được người dân ủng hộ và phù hợp với khả năng của nhà đầu tư.
Áp dụng tốt chính sách hỗ trợ tái định cư
Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng Phòng BTHTTĐC (Sở TN&MT TP.HCM), nhấn mạnh rằng chính sách bồi thường và tái định cư (BTHTTĐC) hiệu quả là yếu tố quan trọng cho thành công của dự án. Việc tái định cư cần đảm bảo cuộc sống người dân không bị suy giảm khi Nhà nước thu hồi đất.
Luật Đất đai 2024 và dự thảo Nghị định về BTHTTĐC có nhiều quy định có lợi cho người bị thu hồi đất. Theo đó, phần lớn diện tích đất trong dự án đủ điều kiện bồi thường đất ở. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đa thế hệ hoặc nhiều cặp vợ chồng sống trong các căn hộ nhỏ sẽ được hưởng suất tái định cư tối thiểu và chính sách tái định cư riêng biệt.
Ông Thơ dự đoán quận 1 có thể phải bố trí từ hai đến ba căn hộ tái định cư cho mỗi căn nhà di dời.
Điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất
TS Phạm Trần Hải, từ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đề xuất điều chỉnh hệ số sử dụng đất cho dự án do vị trí gần hai ga metro: Ga Bến Thành và Ga Hoàng Diệu, cách khoảng 750m. Tuyến metro số 1 dự kiến hoạt động cuối năm 2024, tuyến số 2 cuối năm 2030, và tuyến số 4 (trừ đoạn từ Ga Bà Chiêm đến Ga Hiệp Phước) cuối năm 2035.
Nghị quyết số 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM điều chỉnh mật độ xây dựng và các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho khu vực đô thị hiện hữu phù hợp với quy hoạch chung của TP.
Kết luận
Việc điều chỉnh dự án chợ Gà Gạo phù hợp để kêu gọi đầu tư không chỉ vì mục tiêu kinh doanh, mà còn với tinh thần cùng TPHCM chỉnh trang đô thị và cải thiện cuộc sống cho người dân quận 1 đang gặp nhiều khó khăn. Sự hợp tác và đồng hành của các nhà đầu tư là rất quan trọng để giúp nâng cao điều kiện sống của cộng đồng.
***Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Radanhadat.vn thực hiện tài liệu này với mục đích cung cấp thông tin tham khảo. Thông tin có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước.
Chúng tôi nỗ lực thực hiện và đảm bảo tính chính xác của tài liệu nhưng không chịu trách nhiệm về tổn thất hoặc hậu quả từ việc sử dụng thông tin trong đây.
Chúng tôi xử lý thông tin dựa trên nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng tôi không kiểm chứng nguồn tin và không đảm bảo tính chính xác.
Radanhadat.vn sở hữu độc quyền tài liệu và nội dung bên trong. Tài liệu không được phép sao chép toàn bộ hoặc một phần mà không có sự đồng ý của Radanhadat.vn.
>> Xem thêm: Dự án Chợ Gà Gạo quận 1: khi nào mới có đầu tư?