Hiện nay, tranh chấp đất đai là một vấn đề không hiếm gặp và ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, tình trạng tranh chấp đất đã có sổ đỏ có dấu hiệu tăng nhanh và xuất hiện ở nhiều địa phương. Vậy đất đã có sổ đỏ có tranh chấp được không? Hướng giải quyết khi tranh chấp đất có sổ đỏ là gì? Hãy cùng Radanhadat tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết dưới đây.
Đất đã có sổ đỏ có tranh chấp được không?
Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, “Tranh chấp đất đai là tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”
Trên thực tế, ngay cả khi đã có sổ đỏ, việc tranh chấp đất đai vẫn có thể xảy ra. Những tình huống như nhầm lẫn trong quá trình chuyển nhượng, tặng cho hay thừa kế quyền sử dụng đất hoặc sai sót trong việc đo đạc diện tích và kiểm tra đất có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các bên. Vì vậy, dù đã có sổ đỏ, tranh chấp đất đai vẫn là vấn đề khá phổ biến.
Hướng giải quyết khi tranh chấp đất đã có sổ đỏ
Để giải quyết tranh chấp đất đã có sổ đỏ, yếu tố quyết định là tính hợp pháp của sổ đỏ đó. Tòa án sẽ tiến hành xem xét quy trình cấp sổ đỏ bởi cơ quan có thẩm quyền (như UBND cấp huyện, tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường,..) nhằm xác minh xem việc cấp sổ đỏ có tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hay không như kiểm tra quyền hạn, tuân thủ quy định và đo đạc diện tích đất.
Nếu phát hiện việc cấp sổ đỏ vi phạm quy định pháp luật, tòa án có thể yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận không hợp lệ và cấp lại theo đúng quy định. Quá trình này cũng giúp xác định xem người đứng tên trên sổ đỏ có thực sự là chủ sở hữu hợp pháp của quyền lợi đất đai hay không. Từ đó, tranh chấp sẽ được giải quyết một cách chính xác và theo đúng quy định pháp luật.
Quá trình giải quyết tranh chấp đất đai khi đã có sổ đỏ có thể được thực hiện qua các bước sau:
Hòa giải tranh chấp
Theo khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013, “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải cơ sở.” Dù nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở, kết quả của quá trình này phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan.
Nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận trong quá trình hòa giải tự nguyện, họ cần thực hiện hòa giải qua UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp, theo quy định của Luật Đất đai 2013: “Tranh chấp đất đai mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, nếu tranh chấp quyền sử dụng đất chưa được giải quyết qua UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp, việc xác định quyền sử dụng đất sẽ không đủ điều kiện để khởi kiện. Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với các tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất, như giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất, hoặc chia tài sản chung của vợ chồng liên quan đến quyền sử dụng đất, thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn không phải là điều kiện tiên quyết để khởi kiện.
Nếu hòa giải thành công, tranh chấp sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, nếu không đạt được sự đồng thuận, các phương thức giải quyết theo luật sẽ được áp dụng tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Khởi kiện ra tòa
Khi hòa giải tranh chấp đất đai có sổ đỏ không đạt kết quả như mong muốn, các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp để yêu cầu giải quyết.
Theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013, người khởi kiện có thể đưa vụ việc ra Tòa án nếu có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Tòa án có trách nhiệm tiếp nhận và xem xét các đơn khởi kiện hợp lệ từ các bên. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ tổ chức hòa giải để các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp đất đai có sổ đỏ. Khác với quá trình hòa giải trước khi khởi kiện, hòa giải tại Tòa án là bắt buộc và do Tòa án chủ trì.
Nếu hòa giải thành công, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành. Nếu trong vòng 07 ngày sau khi biên bản được lập, các bên không có ý kiến thay đổi, tranh chấp sẽ được coi là kết thúc.
Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình xét xử, các bên vẫn có thể tiếp tục thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp. Nếu không đạt được thỏa thuận, các bên có quyền kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.
Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ
Khi muốn khởi kiện tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ, bạn cần thực hiện các thủ tục sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và tài liệu cần thiết cho việc khởi kiện, bao gồm: đơn khởi kiện, giấy tờ cá nhân của người khởi kiện và bị kiện, giấy tờ chứng minh tranh chấp (như sổ đỏ hoặc các tài liệu liên quan), hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu có), biên bản hòa giải tại UBND xã, và các giấy tờ pháp lý khác nếu cần.
- Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp.
- Bước 3: Nộp tạm ứng án phí và nhận thông báo về việc thụ lý vụ án từ Tòa án.
- Bước 4: Tòa án tổ chức phiên xét xử để giải quyết vụ án tranh chấp đất đai có sổ đỏ.
- Bước 5: Tòa án đưa ra bản án hoặc quyết định chính thức về việc giải quyết tranh chấp đất đai.
Những bước này đảm bảo quy trình pháp lý được thực hiện để xác định và giải quyết tranh chấp đất đai có sổ đỏ một cách công bằng và đúng pháp luật.
Án phí, lệ phí giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ
Theo tiểu mục 1 Mục II Phần A Danh mục án phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, mức án phí sơ thẩm đối với tranh chấp đất đai được quy định như sau:
- Đối với giá trị tài sản tranh chấp từ 6.000.000 đồng trở xuống, mức án phí là 300.000 đồng.
- Đối với giá trị tài sản từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, mức án phí là 5% giá trị tài sản tranh chấp.
- Đối với giá trị tài sản từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng, mức án phí là 20.000.000 đồng cộng với 4% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.
- Đối với giá trị tài sản từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, mức án phí là 36.000.000 đồng cộng với 3% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng.
- Đối với giá trị tài sản từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng, mức án phí là 72.000.000 đồng cộng với 0.1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.
Người yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập hoặc yêu cầu phản tố phải đóng tạm ứng án phí dựa trên giá trị tài sản tranh chấp mà họ yêu cầu. Mức tạm ứng án phí đối với tranh chấp đất đai bằng 50% mức án phí tính theo giá trị tài sản tranh chấp.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đã có sổ đỏ
Trích Điều 236 Luật Đất đai 2024 có quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có sổ đỏ như sau: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết”.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đã có có sổ đỏ sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện. Nếu không thành công thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về Tòa án nhân dân. Tòa án sẽ thực hiện quá trình xét xử và ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có sổ đỏ theo quy trình pháp lý hiện hành.
Trên đây là tổng hợp các thông tin giúp giải đáp chi tiết câu hỏi “Đất đã có sổ đỏ có tranh chấp được không”. Hy vọng những chia sẻ trong bài sẽ hữu ích và giúp bạn hiểu hơn về các quy định và hướng giải quyết khi gặp trường hợp tranh chấp đất đã có sổ đỏ.